Tìm kiếm
Close this search box.

5 bài học cuộc sống từ giao dịch chứng khoán giúp traders phát triển bản thân

5 bài học cuộc sống từ giao dịch chứng khoán Tôi đã tự học và tự đúc rút dưới đây mang rất nhiều giá trị vô hình tới cuộc sống ngoài giao dịch của Tôi.

Không phủ nhận rằng mục đích cuối cùng của mỗi giao dịch là kiếm tiền. Và mục tiêu cuối cùng của mỗi traders là lợi nhuận. Nhưng có những thứ vượt lên trên tiền bạc, ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống mà Traders có thể chưa nhận ra!

Nếu đi đủ lâu, nếm trải đủ những thử thách mà thị trường chứng khoán đem lại, bạn sẽ nhận ra những điều nhỏ bé có tác động to lớn này

Bài học #1: Giao dịch thúc đẩy kỷ luật cuộc sống

Khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán, Tôi được mời chào tham gia đủ các hội – nhóm giao dịch. Nhưng đằng sau những hình ảnh khoe lệnh thắng, Tôi chẳng nhận được gì ngoài một lời mời chào khác: Mở tài khoản và nạp tiền theo lệnh…

Khi bắt đầu mua 10 cổ phiếu đầu tiên rồi tích luỹ từ từ, Tôi bắt đầu nếm trải những cay đắng trên thị trường khi nhìn số tài sản tích luỹ cứ ngày một giảm sâu. Càng cố quân bình giá xuống và giữ cổ phiếu, mỗi ngày mở app giao dịch, Tôi lại thấy tài khoản của mình vơi đi một chút.

Đó là thời điểm Tôi bắt đầu phải chấp nhận cắt lỗ. Qua thời gian, qua từng lần cắt lỗ, Tôi hiểu rằng cắt lỗ không phải là lỗ, mà là để chuẩn bị vốn cho cơ hội tiếp theo.

Giống như thể thao chuyên nghiệp và các nghề nghiệp có thành tích cao khác, giao dịch là một nghề cần phải mài giũa hàng ngày. Và cũng giống như mọi ngành nghề kinh doanh khác, giao dịch đòi hỏi phải có kỷ luật.

Việc phát triển kỷ luật đòi hỏi phải lập kế hoạch, thực hành nhiều lần và biến những nhiệm vụ đã được lên kế hoạch đó thành thói quen.

Trong giao dịch chứng khoán, kỷ luật có được bằng cách:

  1. Dành thời gian nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản về hoạt động kinh doanh của công ty.
  2. Tiến hành phân tích chi tiết trên biểu đồ kỹ thuật để tìm tiếng nói chung giữa Cơ bản – Kỹ thuật.
  3. Lập một kế hoạch chi tiết bao gồm các yếu tố cơ bản – kỹ thuật – quản trị vốn và rủi ro.
  4. Thực thi kế hoạch và ghi nhật ký diễn biến giao dịch.
  5. Đánh giá lại giao dịch sau khi kết thúc

Khi lặp lại quá trình lên kế hoạch – thực thi kế hoạch – đánh giá kế hoạch, Tôi vô hình chung cũng áp dụng quá trình này vào trong hầu hết các công việc trong cuộc sống. Và thúc đẩy các kỷ luật trong việc thực thi những kế hoạch cả trong giao dịch và cuộc sống.

Gần đây nhất là việc lên kế hoạch xây dựng lại ngôi nhà đang ở, nếu theo dõi quá trình triển khai, bạn sẽ thấy Tôi chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào cho kế hoạch lớn này.

Nếu không nhờ giao dịch, có lẽ Tôi sẽ khó lòng chuẩn bị chu toàn và yên tâm đến như vậy.

Tôi cho rằng giao dịch chứng khoán hoặc bất kỳ điều gì chúng ta làm mà không có kỷ luật, nó không khác nào… ĐÁNH BẠC.

Bài học #2: Giao dịch thúc đẩy chúng ta vượt ra khỏi vùng an toàn

Đối với hầu hết mọi người, mạo hiểm liên quan tới tiền bạc là điều rất khó chịu vì xét cho cùng, không ai muốn mất số tiền mà họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được.

Chính tâm lý sợ mất tiền này dẫn tới hai tình huống phi lý trong giao dịch:

  1. Chốt lời sớm các cổ phiếu đang nắm giữ và có lợi nhuận vì sợ giá sẽ quay đầu giảm khiến lợi nhuận nhanh chóng biến thành thua lỗ. Hoặc…
  2. Không chấp nhận bán các cổ phiếu đang thua lỗ với hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng và lợi nhuận sẽ trở lại vì không muốn… lỗ.

Nói cách khác, nhà đầu tư thực hiện hai hành động trên có xu hướng:

  1. Cố gắng giữ các cổ phiếu bị thua lỗ vì sợ… THUA LỖ. Và
  2. Rất nóng ruột, mong muốn sớm bán cổ phiếu có lời để hiện thực hoá lợi nhuận, rút chút lợi nhuận nhỏ đó về cho chắc ăn.

Hành động và tâm lý như vậy hoàn toàn trái với quy tắc và thói quen của những nhà đầu tư thành công.

Là nhà tâm lý học giao dịch vĩ đại, Tiến sĩ Brett Steenbarger, đã từng nói:

Sự phát triển bản thân nằm phía bên kia vùng khó chịu của bạn. Cho dù đó là trong phòng tập tạ hay những quyết định nghề nghiệp, bạn sẽ không bao giờ tiến xa được nếu cứ ở trong vùng an toàn.

Dr. Brett Steenbarger

Vì vậy:

  • Nếu mục tiêu của bạn là có sức khoẻ thể chất tốt, bạn phải kiên trì rèn luyện thay vì nằm bấm điện thoại
  • Nếu mục tiêu của bạn là có người yêu, bạn phải sạch sẽ, chăm chỉ làm việc, và chịu đi ra ngoài kết bạn thêm với nhiều bạn khác giới.
  • Nếu mục tiêu của bạn là có thêm nhiều khách hàng, bạn phải mở rộng tệp khách hàng và kết nối với họ.
  • Nếu mục tiêu cả bạn là có nhiều lợi nhuận hơn trong giao dịch chứng khoán, bạn phải chấp nhận cắt lỗ nhiều hơn và giữ được các giao dịch có lợi nhuận lâu hơn…

Tôi đã rất nhiều lần cay đắng vì chút lợi nhuận nhỏ trước mắt, vui vẻ với nó mà mất đi khoản lợi nhuận lớn khi bán sớm rồi nhìn giá tăng vùn vụt.

Trong cuộc sống cũng thế, Tôi cũng luôn thúc đẩy mình phải biết vượt qua vùng an toàn ở những thời điểm then chốt.

Bài học #3. Giao dịch giúp chúng ta hiểu tích sản là một hành trình dài

Bài học thứ ba từ giao dịch chứng khoán mà Tôi học được đến từ quá trình tích sản. Ở giai đoạn đầu tiên khi giao dịch, Tôi không có nhiều tiền và chỉ bắt đầu mua 1, 2, 3, 5 và 10 cổ phiếu lẻ. Kiên trì đặt lệnh và kiên trì thu gom.

Đến bây giờ, Tôi vẫn thực hiện chiến lược này và không có gì phải hối hận cả.

Trong giai đoạn thị trường khó khăn, Tôi không biết làm gì khác ngoài việc tiếp tục kiếm tiền lẻ và… gom cổ phiếu lẻ. Rồi đến một ngày, bỗng dưng thấy thị trường tăng hàng loạt và kéo dài chu kỳ tăng tới 2-3 năm…

Tôi nhìn lại và thấy những tích góp nhỏ giờ đây phát huy tác dụng vì sau vài năm nhặt nhạnh từng cổ phiếu, khối lượng tới thời điểm bùng nổ đã thực sự làm Tôi bất ngờ!

Và Tôi nhận ra rằng bản thân phải tích luỹ đủ chất và lượng. Phần còn lại thị trường sẽ làm việc, nếu bạn không dành ra một quá trình dài để mua gom cổ phiếu, bạn sẽ khó để hiểu được rằng tích sản là một hành trình chứ không phải từ thời điểm.

Chúng ta thấy con vịt lướt trên mặt nước nhẹ nhàng nhưng đâu ai thấy 2 chân nó phải đạp nước thấy mẹ bên dưới đâu!?

Bài học #4: Giao dịch giúp chúng ta hiểu khôn ngoan tìm nơi vắng vẻ

Tôi luôn tự hỏi rằng: 1000đ kiếm được từ việc mua – bán cổ phiếu VNM có giống 1000đ kiếm được từ việc mua – bán cổ phiếu EVF không!?

Và đó là lý do ở thời điểm đầu tiên, Tôi lại lựa chọn những mã cổ phiếu rất lạ thường để rồi chính những cổ phiếu này lại mang lại lợi nhuận vượt trội so với các mã cổ phiếu được nhiều người quan tâm.

Cũng giống như việc chúng ta lựa chọn con đường. Nếu cùng mục đích đến, đường ngắn đông đúc chưa chắc đã phải lựa chọn tốt.

Như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết trong bài thơ Cảnh nhàn:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Cảnh nhàn (Bạch Vân quốc ngữ thi tập) – Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hãy thử nhìn lại một vài mã như EVF, NAB, DVP, TCL, CLL tại thời điểm Tôi khuyến nghị mua, rất ít người quan tâm hoặc chê, cho rằng chúng không chất lượng. Nhưng ở thời điểm tồi tệ của thị trường, các mã cổ phiếu này đã phát huy hiệu quả bất ngờ.

Vì vậy, không phải cứ cổ phiếu bluechip mới mang lại lợi nhuận lớn. Hãy khách quan, chọn những cổ phiếu có giá trị được ít người quan tâm, mua và chờ đợi tới khi chúng đón nhận sự quan tâm vì được khai phá bởi số đông.

Nếu mục tiêu cùng là 1000đ, thì con đường nào dễ dàng nhất, an toàn nhất để có 1000đ nên chọn con đường đó.

Bài học #5: Giao dịch dạy chúng ta về sự cân bằng cảm xúc

Ở giai đoạn đầu tiên khi thực hiện các giao dịch, Tôi đã nhiều lần bị tổn thương vì sự tự tin thái quá. Tôi tin rằng mình đang thắng và không thể thua, Tôi thực hiện giao dịch chỉ vì trông biểu đồ kỹ thuật đẹp chứ không qua quá trình phân tích như thường làm.

Cuối cùng, Tôi thực hiện những giao dịch dại dột hoặc mạo hiểm nhiều hơn mức Tôi nên làm và trước khi Tôi biết điều đó, tài khoản của Tôi đã bị lỗ nặng.

Cũng trong giai đoạn khởi đầu đó, đã hơn một lần Tôi thấy bị tê liệt vì thiếu tự tin.

Tôi phát hiện một tín hiệu giao dịch tuyệt vời phù hợp với hệ thống mà Tôi hay giao dịch. Nhưng bởi đã phải liên tục cắt lỗ 4-5 lần trước đó, Tôi quyết định không mua cổ phiếu theo tín hiệu đó nữa. Kết quả là giá cổ phiếu bắt đầu tăng, rồi liên tục tăng trần chạm tới vùng chốt lời!

Cảm giác nó cay đắng và tiếc nuối…

Trong giao dịch, chúng ta học được rằng chúng ta không thể quá bị cuốn theo khi đang thắng và cũng không nên quá khắt khe với bản thân khi đang thua lỗ. Cuối cùng, tất cả các nhà giao dịch cũng học được rằng trạng thái tinh thần tốt nhất là trạng thái vừa bình tĩnh vừa thoải mái.

Điều này cũng đúng trong các khía cạnh khác của cuộc sống. Mọi người đưa ra những quyết định sai lầm khi họ che giấu cảm xúc thật. Họ bị lợi dụng khi quá tự tin hoặc bỏ lỡ những cơ hội tốt khi đang sợ hãi.

Khi cân bằng cảm xúc, mọi quyết định trở nên sáng suốt hơn và chính xác hơn!

Lời kết

Khi coi giao dịch chứng khoán như một nghề và có thời gian để suy ngẫm, kết nối giao dịch với cuộc sống thường nhật, Tôi nhận thấy nó mang lại cho Tôi nhiều lợi ích hơn là giá trị về khía cạnh tiền bạc.

Tôi không chỉ tập trung vào lợi nhuận và thua lỗ mà còn phải tập trung vào CÁCH bản thân giao dịch và cách để tối đa hóa những bài học cuộc sống tiềm năng có thể học được từ nghề trading.

Giao dịch là cuộc sống, nếu tách cuộc sống khỏi giao dịch có lẽ chúng ta sẽ mất đi nhiều thứ ý nghĩa mà cuộc sống và giao dịch bổ trợ lẫn nhau.

Chúc các bạn giao dịch thành công!

5/5 - (22 bình chọn)
Telegram
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email

Nội dung phân tích

Tài khoản 0 phí giao dịch