Tâm sự Con Trend 02: Mua trong nghi ngờ, bán trong sợ hãi
- 2 ngày trước
- 7 phút đọc
Tâm sự Con Trend tiếp theo, Tô muốn chia sẻ với anh chị và các bạn góc nhìn khi các chú Bò lầm lũi đi lên và các chú Gấu thì mạnh mẽ vả không trượt phát nào.
Đại ý là sao trong Uptrend thì xu hướng lại chậm như rùa, con Downtrend nó lại quá nhanh và quá nguy hiểm như vậy!?
Tất nhiên, có những Con Trend up nó mạnh mẽ như bò điên thấy vải đỏ vậy. Nhưng nó không thường xuyên diễn ra được như thế.
Vâng!
Nó được xoay quanh một câu cửa miệng của giới đầu tư: Mua trong nghi ngờ, bán trong sợ hãi.
Mua trong nghi ngờ
Mua trong nghi ngờ nghĩa là trong xu hướng tăng thường thì người ta ít chắc chắn vì thị trường luôn có 2 phe: Bull và Bear hay còn gọi là Bò và Gấu.
Sự mua trong nghi ngờ chủ yếu đến từ việc NGHI NGỜ nên nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua từng chút, từng chút chứ không làm một cú All-in hoặc thậm chí không đủ tài chính để theo hết một Con Trend. Đại đa số nhà đầu tư sẽ mua ở 1/2 con trend đầu, chốt ở 3/4 Con trend tiếp theo và ít ai giữ được đến khi thị trường thực sự tạo đỉnh. Họ bán ở 3/4 trend và rất dễ quay lại ở đỉnh trend để rồi bị úp bô.
Cái đó mới là mấu chốt vấn đề, vì vậy nó được gọi là Mua trong nghi ngờ.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam điều này cũng đúng và vì việc bị giới hạn biên độ từ 7% – 10% – 15% khiến cho việc mua trong nghi ngờ lại càng trở nên đúng.
Tôi được tiếp cận với nhiều nhà đầu tư trong các khoá đào tạo cho hàng ngàn học viên trong 8 năm qua nên còn một tâm lý đáng sợ nữa cũng phần nào làm xu hướng tăng không mạnh mẽ được. Tâm lý này đến từ hành động trái ngược và tâm lý người mới: Trong sự nghi ngờ, họ sợ không dám mua mà thay vì quan sát thì họ có xu hướng thử tham gia theo hướng Short. Vì họ luôn sợ thị trường sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm và muốn kiếm lời từ xu hướng giảm. Nhưng kết quả là thị trường bắt họ trả giá bằng stop loss, hoặc cháy tài khoản và tiếp tục đi lên.
Tâm lý này vô hình làm tăng cung giảm cầu, tác động làm xu hướng tăng tăng chậm hơn chứ không làm thay đổi xu hướng thị trường.
Bán trong sợ hãi
Bán trong sợ hãi nghĩa là trong xu hướng giảm thì người ta lo sợ sẽ tiếp tục thua lỗ nên họ bán mà không suy nghĩ, giá nào cũng bán, bán được bao nhiêu cũng bán, hôm sau chưa bán hết thì… kê bán tiếp…
Chính việc hoảng sợ này khiến thị trường Gấu (Bear Market) rất mạnh mẽ và dứt khoát. Hành động bán trong hoảng sợ là một hành động quyết đoán và khó đảo ngược.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng hiếm khi quay trở lại mua trong một vài phiên sau khi trải qua thua lỗ vì vậy việc bán trong sợ hãi và không có nhu cầu hỗ trợ khiến nó đã nhanh, lại còn mạnh và ào ạt như sóng thần.
Trên thị trường chứng khoán có lẽ bạn chưa quên nỗi đau với NVL, FLC và các cổ phiếu ngành BĐS trong giai đoạn cuối năm 2022.

Biểu đồ kỹ thuật giá cổ phiếu NVL cho chúng ta thấy khi nhà đầu tư sợ hãi thì diễn biến sẽ khủng khiếp thế nào.
Chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 28/10/2022 tới 28/11/2022 giá cổ phiếu NVL lao dốc từ 73.000 về 20.000đ. Mất 72% giá trị khi thị trường hoảng sợ quá mức. Cổ phiếu chất sàn hàng chục triệu trong 20 phiên và nhà đầu tư mắc kẹt không thể bán được, chỉ ngậm ngùi nhìn tài sản mỗi ngày giảm thêm… 7%.
Khi nào người ta bán trong sợ hãi!?
Có một số trường hợp sau mà người ta sẽ bán trong sợ hãi:
Trường hợp 1: Doanh nghiệp có tỷ trọng nợ lớn và làm ăn thua lỗ
Đây là trường hợp đầu tiên, và nó cũng rơi vào tình trạng của NVL. Nhà đầu tư lo sợ với mức nợ gần gấp 5 lần vốn chủ và tiền mặt giảm nhanh có thể dẫn tới tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, hoặc nếu thua lỗ kéo dài sẽ bị huỷ niêm yết.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp có liên quan tới kiện tụng pháp lý, giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng quản trị vướng lao lý.
Đó là bài học đến từ IBC của Shank Thuỷ hoặc FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Gần nhất là QCG – Quốc Cường Gia Lai và TDH – Nhà Thủ Đức.
Trường hợp 3: Flash Crash

Như giai đoạn COVID-19, Đại án Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh hoặc gần nhất là Thuế đối ứng khởi xướng bởi Hoa Kỳ được dẫn đầu bởi Tổng thống Trump.
Phải hành động thế nào!?
Hành động đúng nếu bạn thấy Con Trend đang tăng mà có cảm giác nghi ngờ là ngồi im, hoặc tìm cơ hội để mua lên. Xác nhận Trend tăng bằng EMA, khi giá biến động hoàn toàn TRÊN các đường EMA thì tìm cơ hội MUA.
Hành động đúng nếu bạn thấy Con Trend đang giảm mà chính bạn cũng sợ là ngồi im, hoặc tìm cơ hội bán. Tránh tuyệt đối việc dò đáy với kỳ vọng thị trường hồi phục hoặc đảo chiều nhanh. Xác nhận Trend giảm bằng EMA, khi giá biến động hoàn toàn DƯỚI các đường EMA thì tìm cơ hội BÁN.
Chúc các bạn giao dịch thành công!
Viết thư cho chúng tôi qua hello@hodl.vn. Hoặc thảo luận trên Zalo, Discord, Youtube, Facebook.