Dốc hết trái tim – Tiến bước | Howard Schultz
- 5 tháng trước
- 8 phút đọc
- 1
“Từ rất lâu rồi, trong thâm tâm tôi luôn có một ý niệm đó là nếu tôi ở một vị trí mà tôi có thể tạo ra sự khác biệt, tôi sẽ không bỏ lại bất kỳ ai ở phía sau.”
Howard Schultz
Lâu lắm rồi mình không viết cảm nhận hoặc review về cuốn sách nào. Nhưng sau khi kết thúc hai cuốn sách này, nó gió mình động lực để quay trở lại…
Dốc hết trái tim – Tiến bước | Howard Schultz
Hai cuốn sách này đã mở mang thêm cho mình nhiều điều đáng để học hỏi và cùng với đó cũng giải quyết nhiều vấn đề trong suy nghĩ, thông hơn về tư tưởng cho những công việc đang làm.
1. Sự đam mê không chỉ đến từ bản thân, mà còn do người khác mang lại
Đã từ khá lâu, mình cũng luôn đặt nặng vấn đề đam mê một yếu tố quan trọng để có thể gắn kết làm một công việc nào đó lâu dài. Sự đam mê có thể hình thành theo nhiều hình thức:
- Do bản thân mình thích, nên mình làm.
- Do mình làm lâu quá nên tự nhiên mình khám phá ra sự đam mê đó, nên mình tiếp tục làm…
Qua cuốn sách này mình nhận ra thêm rằng, đam mê đôi khi do những người có năng lực khơi dậy những đam mê đó mang lại và trong trường hợp này là Howard Schultz với cộng sự, với nhân viên của họ.
Vì vậy khi làm một công việc, có lẽ chúng ta nên xem xét lại ba điểm chính yếu phía trên trước khi từ bỏ.
2. Chọn người phù hợp
Người phù hợp và đặt họ đúng vị trí là điều nếu chúng ta từng tham khảo hai cuốn sách: Từ tốt đến vĩ đại và Xây dựng để trường tồn, chúng ta sẽ thấy nó quen thuộc. Howard Schultz cũng có nhắc tới hai cuốn sách này và bản thân ông cũng áp dụng nguyên tắc này.
Trong Từ tốt đến vĩ đại, tác giả cho rằng cách tốt nhất để trọng dụng và phát triển một nhân tài thì hãy trao cho họ cơ hội, đừng trao cho họ khó khăn. Trong hai tác phẩm Howard Schultz viết, ông ngoài việc chọn đúng người và còn tìm cách để đưa họ về đúng thời điểm nữa….
Đây cũng là điểm mấu chốt giúp đế chế Starbucks có thể thành công và vượt qua nhiều thăng – trầm của công ty.
3. Đổi mới – sáng tạo, nhưng không làm mất đi bản chất
Quá trình xây dựng Starbucks mà Schultz cùng cộng sự trải qua sau nhiều thập kỷ có sự đóng góp tuyệt vời từ cả bên trong – bên ngoài.
Văn hoá của Starbucks không ngại thử nghiệm những điều mới, nhưng là sự thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường mà không mang tính áp đặt.
Sáng tạo xuất hiện trong lao động, quá trình Starbucks phát triển đã chứng minh điều đó. Khi trao quyền cho các cấp quản lý thấp hơn, các nhân viên trực tiếp sự sáng tạo đã xuất hiện giúp thúc đẩy Starbucks tiến về phía trước.
Sự sáng tạo này không hề làm mất đi bản sắc của Starbucks mà nó tăng cường, phát triển bất chấp những nghi ngờ từ phía truyền thông…
4. Không bỏ ai lại phía sau
Câu khẩu hiệu này nghe quen thuộc, nhưng chính Howard Schultz đã nói và viết ra như vậy.
Starbucks tạo ra một nét văn hoá đặc trưng trong việc sử dụng Cà phê, duy trì và phát triển nó. Trong quá trình đó là việc xây dựng các quyền lợi, cơ chế từ gốc. Bắt đầu từ những người nông dân trồng Cafe để tạo ra thứ hạt hảo hạng nhất, và tới những nhân viên pha chế, phục vụ, đội ngũ quản lý, các đối tác… Cả các nhân viên làm thời vụ cũng được quan tâm đúng mức…
Mình thấy Schultz đã làm đúng như vậy qua từng trang sách và từng công việc mà Starbucks triển khai trên toàn cầu.
5. Những vấn đề cá nhân
Hai cuốn sách cũng giúp mình đả thông tư tưởng rất nhiều cho công việc.
Có những thứ mình luôn tự hỏi như:
Mình quá để ý tới từng chi tiết, vậy điều đó có thực sự cần thiết hay không?
Dốc hết trái tim và Tiến bước đã giúp mình trả lời được câu hỏi này thông qua những Suy nghĩ, những quan sát, những cảm nhận tinh tế của Schultz từ những điều nhỏ nhất để HOÀN THIỆN cảm nhận và trải nghiệm tổng thể cho những gì Starbucks xây dựng và mang lại cho khách hàng.
Khi tìm hiểu và đầu tư vào một doanh nghiệp cụ thể, mình chú ý tới các phát ngôn của CEO, CT HDQT, tìm hiểu tiểu sử của họ… và đưa ra quyết định, như vậy có đúng không? Nhiều CEO tại những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam hay phát biểu rằng họ không quan tâm tới giá cổ phiếu, không biết giá cổ phiếu tăng giảm thế nào… vậy có thực sự các CEO không chú ý tới những điều này!?
Schultz với triết lý Không bỏ ai lại phía sau đã trả lời câu hỏi này. Ông chú ý tới những biến động giá cổ phiếu Starbucks, quan tâm tới cả quyền lợi của các nhà đầu tư. Và đó là lý do ông lần thứ 2 quay trở lại Ghế điều hành và là tiền đề cho cuốn sách thứ 2: Tiến bước.
Dốc hết trái tim để Tiến bước…
Hai cuốn sách còn rất nhiều điều thú vị nữa để đọc, để hiểu, để suy ngẫm. Mình thực sự ấn tượng về Tên của hai cuốn sách. Nó thể hiện sự tâm huyết và ý chí vượt qua nghịch cảnh.
Cuốn thứ nhất: Howard Schultz đã Dốc hết trái tim để xây dựng một thứ văn hoá, một đế chế Starbucks toàn cầu.
Cuốn thứ hai: Tiến bước, đúng vậy nhưng khi đọc xong mình cảm nhận rằng lần này Schultz trở lại và một lần nữa Dốc hết trái tim để giúp Starbucks Tiến bước – vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của Kinh tế thế giới trong hàng thế kỷ.
Hai Cuốn sách này không phải là hai cuốn sách về kinh doanh, là hai cuốn sách từ trái tim của một con người khiêm nhường!
Tô Triều – Cộng đồng Mê Đọc Sách!
Viết thư cho chúng tôi qua hello@hodl.vn. Hoặc thảo luận trên Zalo, Discord, Youtube, Facebook.