Bàn về 3 kiểu phân tích thị trường, và cách hiểu đúng, ứng dụng đúng
- 3 năm trước
- 12 phút đọc
- 1
Phân tích thị trường là một khái niệm khá chung. Trong giao dịch tài chính, phân tích thị trường được hiểu là cách để Tổng hòa ba trường phái:
- Phân tích cơ bản – Fundamental Analysis (FA)
- Phân tích kỹ thuật – Technical Analysis (TA)
- Phân tích cảm tính thị trường – Sentiment Analysis (SA)
Một cách dễ hiểu thì Phân tích thị trường giốngn hư cái kiềng 3 chân, mỗi chân của nó là một trường phái phân tích và vì vậy không thể bỏ đi bất kỳ chân nào khi phân tích thị trường.
Có rất nhiều tranh cãi về việc này, nhưng từ kinh nghiệm giao dịch Tôi cho rằng quan điểm Tổng hoà ba trường phái sẽ phù hợp và giúp Nhà đầu tư có nền tảng tốt và đi được dài hạn trên thị trường.
#1 Phân tích cơ bản – Fundamental Analysis
Phân tích cơ bản là việc Nhà đầu tư đi tìm câu trả lời cho 8 câu hỏi quan trọng sau đây:
- Tình hình kinh tế đang Suy thoái, hồi phục, hay phát triển và nó tác động tới loại tài sản đang xem xét ra sao?
- Khi nào thì giá của loại tài sản đó tăng, khi nào thì giá giảm?
- Ai là người có ảnh hưởng tới loại tài sản đó cần theo dõi?
- Tổ chức nào ảnh hưởng tới loại tài sản đó?
- Việc tăng giảm của loại tài sản đó có theo chu kỳ và mùa vụ hay không?
- Đâu là yếu tố bất thường khiến loại tài sản đó tăng – giảm đột biến?
- Khi nào nhu cầu về loại tài sản đó tăng – giảm?
- Khi nào nguồn cung về loại tài sản đó tăng – giảm?
Ví dụ: Giao dịch với đồng USD
Tôi sẽ xem xét nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong giai đoạn nào bằng cách theo dõi GDP, lãi suất và lạm phát của Hoa Kỳ.
Nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái – USD giảm khi:
- GDP giảm
- Lãi suất giảm
- Lạm phát tăng
Nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng – USD tăng khi
- GDP tăng
- Lãi suất tăng
- Lạm phát ổn định
Ứng dụng thực tế:
Trong năm 2021 và đầu năm 2022, Kinh tế Hoa Kỳ phát triển và phục hồi thần tốc, GDP liên tục tăng trưởng cao qua từng quý, FED cũng bắt đầu tăng lãi, lạm phát tăng dần. Đó là thời điểm mà sức mạnh đồng USD tăng hơn 12%.
Ngoài ra, với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn, lãi suất hấp dẫn nhất thị trường đã khiến nhu cầu đồng USD tăng đột biến.
#2 Phân tích kỹ thuật – Technical Analysis
Phân tích kỹ thuật là cách nhà Đầu tư tìm kiếm các tín hiệu giúp họ nhận biết Xác suất xu hướng tiếp theo của thị trường và cơ hội tham gia thị trường ở vùng giá tốt.
Để có thể hiểu về Phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư sẽ phải học cách:
- Đọc biểu đồ kỹ thuật (Line, Bar, Candlestick)
- Học cách nhận dạng và hiểu các Mô hình Price Action
- Học cách sử dụng các đường xu hướng
- Học cách sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như EMA, RSI, MACD, Stochastic….
Mục đích chính của việc học những kỹ năng trên là để:
- Xác định điểm tham gia thị trường – Entry
- Xác định điểm thoát khỏi thị trường – Stop Loss và Take Profit
Mục đích khác của Phân tích kỹ thuật là nhận biết sớm những cạm bẫy trên thị trường để không tham gia giao dịch ở các vùng giá không phù hợp.
Để có góc nhìn kỹ thuật chính xác, các nhà đầu tư lão luyện thường Xem xét Phân tích cơ bản trước và dựa vào phân tích cơ bản để tìm kiếm xu hướng thị trường sau đó tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường theo xu hướng có được từ phân tích cơ bản.
#3 Phân tích cảm tính thị trường – Sentiment Analysis
Phân tích cảm tính thị trường là cái khó nhất trong các loại hình phân tích vì khó có thể đọc vị được tâm lý thị trường. Trong một số trường hợp, đám đông dẫn dắt thị trường. Nhưng khi vãn cuộc, Người biết kết hợp cả Cơ bản – Kỹ thuật – Cảm tính mới là người còn sót lại.
Để làm tốt Market Sentiment Analysis, nhà đầu tư có thể làm theo cấu trúc hai bước:
Đánh giá bối cảnh của thị trường hiện tại
Bối cảnh thị trường hiện tại là gì và tác động tới loại tài sản đang giao dịch thế nào? Thị trường thường có hai bối cảnh chính: Risk-on và Risk-off.
- Risk-On: Là bối cảnh thị trường tăng trưởng, phát triển tốt. Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao – Dòng tiền sẽ chảy vào các loại tài sản rủi ro.
- Risk-Off: Là bối cảnh thị trường suy thoái. Nhà đầu tư thường tìm kiếm tới các tài sản trú ẩn an toàn – Dòng tiền sẽ chảy vào tài sản an toàn.
Phân loại tài sản giao dịch:
Tính chất của loại tài sản đang xem xét thuộc nhóm nào? Có hai nhóm cơ bản cần phân loại khi giao dịch:
- Tài sản trú ẩn an toàn: Vàng – USD – CHF
- Tải sản rủi ro: Chứng khoán – Bitcoin – AUD – NZD…
Khi phân loại xong, nhà đầu tư có thể dựa vào bối cảnh thị trường và xác định được xu hướng giá của các loại tài sản phù hợp với bối cảnh thị trường đó.
#4 Thời điểm ứng dụng các hình thái phân tích thị trường
Nước nổi, thuyền nổi có lẽ là câu nói phù hợp tương ứng với câu nói: Trending is friend – Xu hướng là bạn.
Trader cũng giống như người thuyền trưởng của một con thuyền. Họ phải biết nương vào sóng – vào gió để có thể sống và tồn tại.
Phân tích thị trường với sự kết hợp của FA – TA – SA cũng thế. Khi cả FA – TA – SA đều cho một tín hiệu, thì nên chạy theo tín hiệu đó. Và khi 2 trong 3 yếu tố cho cùng 1 tín hiệu, chúng ta cũng không thể bỏ qua.
Ví dụ 1: FA – TA – SA đồng lòng
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 – 2021 là thời điểm mà FA – TA – SA cùng cho một tín hiệu:
FA – Phân tích cơ bản: Các công ty làm ăn có lãi lớn, công bố báo cáo thu nhập với lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ đồng. Có những công ty lợi nhuận tính bằng chục lần.
TA – Xu hướng tăng báo hiệu rõ ràng khi các chỉ số chính như VNINDEX, VN30, VNDIAMOND đều tăng mạnh. Thị trường biến động hoàn toàn trên EMA50 và EMA200.
FA – Lượng tài khoản mở mới đột phá bằng 5 năm trước đó cộng lại. Truyền thông, nhà đầu tư đều hào hứng khi cứ mua là có lời.
Kết quả: VNINDEX tăng vượt đỉnh 1200 và tiếp cận 1538 – cao nhất mọi thời đại
Ví dụ 2: FA ngược chiều với TA và SA
Năm 2022 là ví dụ điển hình của việc FA ngược chiều với TA và SA.
Các công ty vẫn báo cáo tài chính tốt, thậm chí lợi nhuận vẫn tính bằng ngìn tỷ. Nhưng Thị trường đảo chiều ngoạn mục, EMA200 bị phá vỡ theo xu hướng giảm. Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn khởi đầu từ vụ Chủ tịch FLC bán chui gần 100 triệu cổ phiếu FLC, sau đó là vụ bắt giữ Trịnh Văn Quyết (FLC) và Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh)
Thị trường rơi vào hình thái tiêu cực khiến cho các Công ty làm ăn tốt cũng bị vạ lây.
Ví dụ 3: SA ngược chiều với TA và SA
USDJPY trong suốt thời gian vừa qua đã liên tục tăng trưởng tới ngưỡng 129.52 – Cao nhất trong nhiều năm khi các yếu tố cơ bản ủng hộ Xu hướng tăng như:
- USD tăng mạnh
- BOJ liên tục phát tín hiệu Dovish mạnh
Các yếu tố kỹ thuật đều báo hiệu khả năng tiếp tục tăng mạnh và USD liên tục phá đỉnh.
Tuy nhiên, khi chạm ngưỡng tâm lý sát 130.00, USDJPY đã quay đầu điều chỉnh một cách khó hiểu khi USD thực sự mạnh mẽ ở thời điểm hiện tại.
Đây chính là thời điểm mà SA vượt trội hơn FA và TA. Xu hướng chốt lời và điều chỉnh vị thế ở vùng giá 129.00 – 130.00 cùng với lượng bắt đỉnh đã thúc đẩy nhu cầu ngắn hạn của JPY tăng cao hơn so với USD ép USDJPY phải có đợt điều chỉnh ngắn hạn.
#5 Tổng kết
Để có thể sống sót, tồn tại được lâu dài trên thị trường, một nhà đầu tư cuối cùng sẽ phải tìm đến sự Tổng hoà của cả ba hình thái phân tích thị trường:
- Phân tích cơ bản (FA)
- Phân tích kỹ thuật (TA)
- Phân tích cảm tính thị trường (SA)
Không có con đường nào ngắn dẫn tới thành công trên con đường giao dịch tài chính cả. Bài viết này đưa ra một số quan điểm cá nhân và phân nào chia sẻ với các bạn lý do trong mỗi buổi live, Tôi thường xem xét các yếu tố cơ bản trước, sau đó xem xét kỹ thuật và cuối cùng xem xét bối cảnh thị trường để đưa ra quyết định.
Tôi đã bám chặt vào con đường này và thấy nó thực sự hiệu quả, giúp Tôi kiên định hơn trong từng giao dịch. Hi vọng bạn cũng sẽ tìm thấy được gì đó từ những chia sẻ này.
Chúc các bạn giao dịch thành công!
Viết thư cho chúng tôi qua hello@hodl.vn. Hoặc thảo luận trên Zalo, Discord, Youtube, Facebook.