SMA và EMA có những ưu – nhược điểm riêng do phương pháp tính toán, so sánh hai loại Moving Average phổ biến này giúp chúng ta hiểu về bản chất và có lựa chọn phù hơp hơn trong quá trình phân tích kỹ thuật chứng khoán.
Nếu bạn từng có câu hỏi: “SMA hay EMA tốt hơn?” thì nội dung bài viết này sẽ trả lời luôn cho bạn câu hỏi đó.
Nội dung
1. So sánh ưu – nhược điểm SMA và EMA
Trong phân tích chứng khoán, việc bạn dùng SMA hay EMA không có khác biệt qua nhiều phần lớn sự khác biệt đến từ ba yếu tố sau:
- Thói quen sử dụng loại MA nào
- Thời gian mà bạn sử dụng loại MA đó
- Tần suất bạn sử dụng loại MA đó
Hiểu đơn giản là sống lâu thì lên lão làng, dùng nhiều thì lên cáo già… à lộn, Sói già thôi…
Đầu tiên, chúng ta sẽ bắt đầu với các đường trung bình trượt hàm mũ – Exponential Moving Average (EMA).
Khi bạn muốn các đường trung bình động phản ứng nhanh và mạnh với các biến động của tỷ giá thì EMA là lựa chọn tốt nhất.
Điểm mạnh của EMA:
EMA có thể giúp bạn nhận biết được một xu hướng rất sớm có tiềm năng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn.
Hầu hết các chỉ báo trong phân tích kỹ thuật đều là các chỉ báo có độ trễ cao. EMA và SMA cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên nếu so sánh độ trễ giữa EMA và SMA thì SMA trễ hơn EMA.
Có thể nói EMA khắc phục một phần nhược điểm của SMA.
Điểm yếu của EMA:
Sử dụng các đường EMA – Exponential Moving Average có thể sẽ có những tín hiệu giả mạo trong suốt xu hướng của nó. (Đắng lòng…)
Các đường EMA phản ứng quá nhanh với các biến động của giá, nên ngay khi giá phá vỡ hoàn toàn các đường EMA, nó có thể làm cho bạn nhầm lẫn rằng xu hướng cũ đã kết thúc, xu hướng mới sắp hình thành. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Mời bạn xem ví dụ dưới đây:
Minh hoạ phía trên là biểu đồ kỹ thuật chỉ số VNINDEX giai đoạn tháng 06-2020 – tháng 06-2021.
Trong suốt xu hướng tăng này, đường EMA10 đóng vai trò hỗ trợ động cho xu hướng rất rõ ràng. Ở lần thứ hai khi tiếp cận EMA10, sự rung lắc của thị trường khiến EMA10 có một pha thủng hoàn toàn. Ngay lập tức EMA20 thể hiện vai trò anh Ba đỡ cho thằng em út một pha hút hồn.
Vấn đề là nếu bạn xác định khi VNINDEX thủng EMA10 là thời điểm xu hướng tăng bị phá vỡ, thì khả năng cao bạn sẽ chốt lời và… MẤT HÀNG.
Bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục đến với đường Simple Moving Average – SMA
Với một đường trung bình động giản đơn – Simple Moving Average – SMA thì lại ngược lại với đường EMA.
Có nghĩa là SMA phản ứng rất chậm với sự biến động của tỷ giá. Chúng ta có thể coi đó là độ trễ – Lagging của SMA.
Khi bạn muốn một đường trung bình động mượt mà và phản ứng chậm hơn với các biến động của tỷ giá, thì SMA là lựa chọn tối ưu.
Các đường SMA sẽ hoạt động tốt hơn khi sử dụng các khung thời gian cao hơn như D1 hoặc W1 chẳng hạn. Vì nó sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng thể về xu hướng hiện tại.
Điểm mạnh của SMA: Phản ứng với biến động của tỷ giá chậm nên sẽ loại bỏ được nhiều tín hiệu giả.
Giờ bạn đã hiểu lợi thế của mỗi đường rồi chứ?
2. Bảng so sánh SMA và EMA
Mời bạn xem qua bảng so sánh SMA và EMA tóm tắt dưới đây:
SMA | EMA | |
---|---|---|
Ưu điểm | 1. Hiển thị biểu đồ mượt hơn. 2. Giúp loại bỏ các tín hiệu giả mạo. | 1. Phản ứng nhanh và tốt vì phương pháp tính toán luôn bao gồm thị giá. 2. Có thể cho tín hiệu về xu hướng sớm hơn |
Nhược điểm | 1. Phản ứng với biến động của giá cổ phiếu chậm hơn. 2. Có thể lỡ các cơ hội giao dịch tốt. | 1. Dễ bị giả mạo và cho tín hiệu sai lệch vì nhạy với các biến động của giá cổ phiếu. 2. Đường EMA không mượt bằng đường SMA |
3. Tóm lại thì SMA hay EMA tốt hơn?
Xin lỗi vì Tôi không thể cho bạn câu trả lời chính xác là đường SMA tốt hơn, hay EMA tốt hơn được. Bởi vì nó phụ thuộc vào chiến lược giao dịch của bạn và Quyết định của bạn.
Trong các bài viết trước, Tô đã chia sẻ với các bạn phương pháp để xác định xu hướng bằng các đường SMA và EMA trong mỗi bài viết.
Ở các bài viết sau, Tô sẽ chia sẻ cùng bạn phương pháp sử dụng giao điểm – CrossOver (Điểm Cắt nhau của các đường EMA) trong hệ thống giao dịch.
Ngoài ra, Tô cũng chia sẻ phương pháp sử dụng SMA và EMA để xác định các vùng kháng cự và hỗ trợ tiềm năng.
Chúc bạn giao dịch thành công!