Giao dịch với Kênh giá – Channels trong Chứng khoán chính là một phát triển thêm từ lý thuyết các Đường xu hướng. Khi vẽ thêm một đường song song ở cùng một Xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm trên biểu đồ kỹ thuật giá cổ phiếu, chúng ta sẽ tạo ra Channels – Kênh giá.
Channels không phải là một kênh truyền hình, nó chỉ là một Công cụ khác trong Phân tích kỹ thuật Chứng khoán thực chiến. Kênh giá sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư có thể xác định được vùng giá tốt để Mua cổ phiếu hoặc bán để chốt lời.
Cả hai đỉnh và đáy của các Kênh giá – Channels đều là các khu vực kháng cự hoặc hỗ trợ tiềm năng.
Nội dung
1. Xác định Kênh giá tăng – Up Channel
Để tạo ra một kênh giá tăng – Up (Ascending) channel, Chúng ta chỉ cần vẽ một đường Song song cùng một góc với đường xu hướng tăng và sau đó di chuyển đường đó đến vị trí mà nó chạm đỉnh gần nhất. Việc này được thực hiện cùng với khi bạn xác định đường xu hướng trong phân tích kỹ thuật chứng khoán.
Đặc điểm nhận dạng của Kênh giá tăng đó là:
- Higher High (HH): Đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.
- Higher Low (HL): Đáy sau cao hơn đáy trước.
- Upper: Đường đi qua các Đỉnh của Kênh giá tăng, và là Kháng cự động của Kênh giá (Resistance).
- Lower: Đường đi qua các Đáy của Kênh giá tăng, đóng vai trò Hỗ trợ động của Kênh giá (Support).
Yếu tố tâm lý tại Hỗ trợ và Kháng cự kênh giá tăng:
Hành động tại Hỗ trợ: Nhà đầu tư có xu hướng mua vào liên tục khi giá chạm hỗ trợ kênh giá với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ trở lại đà tăng. Tại khu vực hỗ trợ, Cầu có xu hướng vượt cung làm giá tăng trở lại.
Hành động tại Kháng cự: Nhà đầu tư có xu hướng chốt lời tại kháng cự kênh giá để bảo toàn lợi nhuận và chuẩn bị vốn cho lần giao dịch kế tiếp. Hành động chốt lời làm Cung vượt Cầu tại kháng cự buộc giá cổ phiếu giảm.
Kênh giá tăng bị phá vỡ khi giá không thể tiếp cận Kháng cự và quay đầu giảm Phá vỡ hỗ trợ kênh giá để giảm sâu hơn.
Minh hoạ dưới đây trên biểu đồ kỹ thuật Chỉ số VNINDEX với kênh giá tăng được duy trì dài hạn từ tháng 04-2020 tới tháng 04-2022:
Chúng ta có thể thấy Kênh giá này được duy trì với các đợt tăng giảm như sau:
- Đợt thứ nhất: Từ đáy 650 điểm tới đỉnh 900 điểm.
- Đợt thứ hai: Từ đáy 780 điểm tới đỉnh 1200 điểm
- Đợt thứ ba: Từ đáy 1000 điểm tới đỉnh 1400 điểm.
- Đợt thứ tư: Từ đáy 1220 điểm tới đỉnh 1534 điểm.
Ở đợt tăng thứ tư của Kênh giá trên Chỉ số VNINDEX, đà tăng đã không tiếp cận được kháng cự kênh giá và quay đầu giảm phá vỡ hỗ trợ kênh giá tăng dài hạn. Thị trường đảo chiều từ tăng sang giảm và làm VNINDEX rơi vào chu kỳ giảm giá rất sâu về 870 điểm trước khi phục hồi trở lại.
Đợt tăng giá dài hạn từ cổ phiếu VNINDEX được duy trì và củng cố trong hơn 02 năm bởi các yếu tố sau:
- Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt Đại dịch COVID-19 giúp Doanh nghiệp và người dân vẫn có thể lao động sản xuất bình thường.
- Các doanh nghiệp liên tục bứt phá về doanh thu – lợi nhuận, chia cổ tức khủng
- Lượng tài khoản mở mới chứng khoán được duy trì và lập kỷ lục.
- Nguồn vốn đầu tư từ khối ngoại – tự doanh tăng mạnh mẽ và giải ngân đều đặn.
2. Xác định Kênh giá giảm – Down Channel
Để tạo kênh giá giảm – Down (descending) Channels khi phân tích kỹ thuật chứng khoán, chỉ cần vẽ một đường song song ở cùng một góc với đường xu hướng giảm và sau đó di chuyển đường đó đến vị trí mà nó chạm vào đáy gần nhất. Điều này nên được thực hiện cùng lúc bạn tạo đường xu hướng.
Đặc điểm của kênh giá giảm là:
Lower High: Đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
Lower Low: Đáy sau thấp hơn đáy trước.
Upper: Đường đi qua các Đỉnh của Kênh giá giảm, và là đường Kháng cự (Resistance).
Lower: Đường đi qua các Đáy của Kênh giá giảm, và là đường Hỗ trợ (Support).
Yếu tố tâm lý tại Hỗ trợ và Kháng cự kênh giá giảm:
Hành động tại Hỗ trợ: Rất khó để tìm được Hỗ trợ kênh giá giảm. Trong thị trường giảm giá, việc mò đáy là bất khả thi, chỉ khi có một số Mô hình như Bullish Hammer, Morning Star, Bullish Engulfing xuất hiện tại Hỗ trợ kênh giá giảm, đó mới có thể cho thấy thị trường tạm dừng đà giảm. Vì vậy tâm lý chung là không chắc chắn.
Hành động tại Kháng cự: Nhà đầu tư có xu hướng chốt lời tại kháng cự kênh giá để bảo toàn lợi nhuận. Việc chốt lời này cũng đảm bảo cho các Traders tránh được cổ phiếu quay lại xu hướng giảm và thổi bay lợi nhuận họ kiếm được trước đó. Hành động chốt lời làm Cung vượt Cầu tại kháng cự buộc giá cổ phiếu giảm.
Minh hoạ Kênh giá giảm đang được duy trì trên biểu đồ kỹ thuật Cổ phiếu MSN trong năm 2023:
Đây là kênh giá được Tôi xác định khá lâu trước đó và theo dõi để tìm cơ hội và chờ đợi một pha Phá kênh giá giảm trước khi tham gia giao dịch.
Chúng ta có thể thấy vai trò của Kháng cự kênh giá giảm được thể hiện rất rõ trên Biểu đồ kỹ thuật Cổ phiếu MSN giai đoạn tháng 11-2022 tới tháng 10-2023. Bất kể khi nào giá chứng khoán MSN tiếp cận kháng cự kênh giá, cổ phiếu này ngay lập tức quay đầu giảm rất sâu.
Đây là bài học lớn về khả năng tự bảo toàn của xu hướng và sức mạnh của các đường xu hướng trong phân tích kỹ thuật mà chúng ta cần tôn trọng.
Bây giờ chúng ta đối chiếu giữa Kỹ thuật với Cơ bản qua Doanh thu – Lợi nhuận thông qua BCTC tóm tắt dưới đây của CTCP Tập đoàn Masan:
Giá cổ phiếu MSN bắt đầu giảm mạnh và hình thành kênh giá giảm vào tháng 12-2021 tới tháng 10-2023, đồng nghĩa với việc chúng ta xác định xu hướng này là xu hướng giảm trong dài hạn.
BCTC từ Q1-2022 cho thấy doanh thu của MSN không hề tăng trưởng. Chi phí tài chính tăng gần gấp đôi sau 1 năm kéo tụt lợi nhuận sau thuế của MSN. Theo tính toán trung bình từ Q1-2022 đến Q2-2023, LNST của MSN đi lùi trung bình mỗi quý -23.75% so với quý trước đó. Mặc dù LNST vẫn dương, nhưng khi nó đi lùi như vậy thì việc định giá giảm cũng là điều dễ hiểu. Và kết quả phản ánh trên biểu đồ kỹ thuật đã cho thấy giá giảm liên tục trong giai đoạn này.
3. Xác định kênh giá ngang – Sideway Channel
Để tạo kênh giá ngang – Sideway Channels, Chỉ cần vẽ Đường Kháng cự và đường Hỗ trợ đi qua khu vực mà Tỷ giá có xu hướng đi lên, đi xuống Test liên tục vùng đó sau đó bật lại.
Kiến thức này chúng ta đã được học trong Bài học về cách xác định xu hướng giá cổ phiếu trước đó.
Đặc điểm của kênh giá ngang:
High – Đỉnh: Đỉnh của kênh giá giang có mức giá tương đồng và là một vùng.
Low – Đáy: Đáy của kênh giá ngang có mức giá tương đồng và là một vùng.
Upper: Đường đi qua các đỉnh của kênh giá ngang và là đường kháng cự (Resistance)
Lower: Đường đi qua các đáy của kênh giá ngang và là đường Hỗ trợ (Support).
Yếu tố tâm lý tại Hỗ trợ và Kháng cự kênh giá ngang:
Hành động tại Hỗ trợ: Hành động của nhà đầu tư tại Hỗ trợ kênh giá ngang thường khá rõ ràng. Khi kết hợp với tình hình kinh doanh của công ty, họ có quyền kỳ vọng xu hướng này tiếp tục được duy trì và sẽ mua vào khi giá cổ phiếu chạm vùng hỗ trợ kênh giá.
Hành động tại Kháng cự: Tại kháng cự kênh giá ngang, nhà đầu tư có xu hướng chốt lời khá quyết liệt. Khi hoạt động của Công ty ổn định, không có xu hướng tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận thì kỳ vọng về giá cổ phiếu sẽ khó thay đổi. Chốt lời ở kháng cự để chờ các đợt mua tiếp theo là phù hợp.
Cùng xem lại minh hoạ về Kênh giá ngang được chia sẻ trong bài trước đó với Cổ phiếu TCL:
Trong suốt giai đoạn làm ăn ổn định, không bứt phá về doanh thu và lợi nhuận Cổ phiếu TCL liên tục Sideway trên biểu đồ kỹ thuật và biến động trong vùng giá từ 14.000đ – 26.000đ/cp.
4. Tổng kết
Kênh giá trong phân tích kỹ thuật chứng khoán là một tín hiệu tốt để chúng ta tham khảo. Tuy nhiên cần tránh bắt đáy trong xu hướng giảm vì khi thị trường hoảng loạn, giá sẽ giảm sâu hơn chúng ta có thể phân tích rất nhiều.
Kênh giá chỉ được xác định khi có hai đỉnh và hai đáy song song với nhau vì vậy khi xác định được kênh giá thực tế thị trường đã biến động được một chu kỳ khá lớn rồi. Vì vậy đây là một loại hình phân tích mang độ trễ cao. Đổi lại kênh giá khi được phát hiện sẽ giúp nhà đầu tư xác nhận xu hướng giá cổ phiếu tốt hơn.
Chúc các bạn giao dịch thành công!