Kỹ thuật thực chiến

Cách xác định Hỗ trợ – Kháng cự trong phân tích kỹ thuật Chứng khoán thực chiến

Hỗ trợ và Kháng cự là hai dạng tín hiệu kỹ thuật được sử dụng lâu đời nhất trong Phân tích kỹ thuật chứng khoán trong giới đầu tư.

Trong phân tích chứng khoán, Phân tích kỹ thuật và Phân tích cơ bản là hai trường phái thường nổ ra những cuộc tranh cãi dai dẳng – khó chấp nhận lẫn nhau. Khi bạn đọc những nội dung này, đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận sẽ chỉ theo một trong hai trường phái, hoặc bạn là người phải trung hoà cả hai trường phái để tiếp thu thêm các kiến thức mới.

Tôi đã tham khảo rất nhiều nội dung được chia sẻ trên Internet về cách xác định Hỗ trợ – Kháng cự trong phân tích kỹ thuật trên thị trường chứng khoán, nhưng gần như không có nội dung nào chuyên sâu và đến từ kinh nghiệm thực chiến cả.

Nội dung bài học đầu tiên trong Khoá học Phân tích kỹ thuật Chứng khoán thực chiến, chúng ta sẽ làm rõ hai khái niệm Hỗ trợ – Kháng cự và cách ứng dụng để tìm cơ hội đầu tư.

Ngoài ra Hỗ trợ – Kháng cự cũng là một trong những tín hiệu bổ xung rất nhiều cho những nhà giao dịch theo trường phái Price Action, sử dụng Mô hình nến Nhật như một chiến lược giao dịch thì Hỗ trợ và Kháng cự lại càng quan trọng hơn.

Một tín hiệu sẽ không giúp bạn đủ căn cứ và tâm lý tự tin để lựa chọn thời điểm chính xác. Nhưng nếu nhiều tín hiệu cùng xuất hiện thì đó hẳn phải là một thời điểm tốt để ra quyết định vào lệnh.

1. Khái niệm hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợKháng cự trong phân tích kỹ thuật chứng khoán là một VÙNG – KHOẢNG GIÁ quan trọng được các nhà đầu tư phân tích, nhận biết, quan sát để chờ đợi trước khi thực hiện một quyết định liên quan tới giao dịch như Mua cổ phiếu (hỗ trợ) bán chốt lời cổ phiếu một phần (kháng cự).. Hoặc chờ tín hiệu phá vỡ để đưa ra các quyết định mua – bán.

Thuật ngữ tiếng Anh:

  1. Hỗ trợ = Support
  2. Kháng cự – Resistance

Cùng quan sát biểu đồ kỹ thuật dưới đây trước khi chúng ta đi sâu vào phân tích các yếu tố tâm lý phía sau hai thuật ngữ Hỗ trợ – Kháng cự này:

Khái niệm Hỗ trợ - Kháng cự trong Phân tích kỹ thuật Chứng khoán thực chiến

Hỗ trợ cực mạnh, chờ mua và nắm giữ dài hạn

Kháng cự thứ cấp chờ chốt lời một phần

Kháng cự có Cung mạnh, chờ bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ

Vùng kháng cự, mức giá vượt qua mọi kỳ vọng và nhận định

Cùng chú ý tới các vùng mà Tôi đánh dấu #1 – #2 – #3 – #4 ở hình phía trên.

Giá cổ phiếu VNM tại thời điểm xem xét là 75.800 đ/cp.

  1. Vùng #1 – #2 – #3 nằm TRÊN thị giá và nó được coi là Kháng cự trên biểu đồ kỹ thuật Cổ phiếu VNM. Vùng kháng cự này thường sẽ được các nhà đầu tư xem xét bán một phần danh mục để hiện thực hoá các khoản lợi nhuận đang thả nổi thành Cash – Tiền mặt.
  2. Vùng #4 nằm DƯỚI thị giá và nó được coi là Hỗ trợ trên biểu đồ kỹ thuật Cổ phiếu VNM. Vùng hỗ trợ thường được các nhà đầu tư xem xét bắt đầu giải ngân, mua và nắm giữ cổ phiếu thay vì bán ra. Họ chỉ bán ra nếu giá phá vỡ hỗ trợ theo xu hướng giảm.

2. Hỗ trợ – Kháng cự và sức mạnh đám đông

Vùng Hỗ trợ và vùng kháng cự rất quan trọng trong giao dịch. Độ tin cậy của hai vùng giá này gần như không thay đổi trong hầu hết các thị trường.

Giao dịch với Support – Resistance là phương pháp giao dịch cổ điển và lâu đời nhất còn tồn tại từ thời điểm thị trường được hình thành cho tới hiện tại. Chính vì vậy đại đa số các nhà đầu tư từ mới tới cũ, từ lão luyện tới gà mờ đều sử dụng Hỗ trợ – Kháng cự trong giao dịch của họ biến nó thành trường phái giao dịch phổ biến nhất thế giới khi đầu tư tài chính.

Khi ứng dụng trong Phân tích kỹ thuật chứng khoán thực chiến, Hỗ trợ – Kháng cự rất đáng tin cậy do tính đặc thù biến động theo chu kỳ của thị trường.

Câu chuyện về Hỗ trợ – Kháng cự giống câu chuyện về sự đoàn kết trong video bạn có thể xem dưới đây:

Khi tất cả mọi người đồng lòng thực hiện một hành động, thì hành động đó có khả năng cao sẽ thành công. Giao dịch với Hỗ trợ – kháng cự cũng như vậy, khi tất cả các Trader đều chú ý vào một vùng giá, cùng thực hiện một hành động thì điều đó có khả năng làm thay đổi xu hướng thị trường.

Trong One Piece, Khi Băng Mặt trời (Người cá) chiến đấu với Băng Big Mom để giải cứu Luffy Mũ Rơm, Nami đã nhớ lại:

Khi Người Cá chiến đấu, họ có thể thay đổi cả dòng hải lưu.

NamiOne Piece

Trong năm 2021 chúng ta đã từng thấy Nhóm các nhà đầu tư nhỏ trên Reddit thay đổi Dòng hải lưu của Cổ phiếu Game Stop (GME) khiến hàng loạt quỹ phải chịu thua lỗ nặng nề. Bạn có thể xem lại về sự kiện GameStop qua loạt phim tài liệu Eat The Rich: GameStop được công chiếu trên Netflix. Thông tin phim Eat The Rick xem tại đây.

Trong phân tích kỹ thuật, Hỗ trợ – Kháng cự cũng đóng vai  trò thay đổi dòng hải  lưu của thị trường.

3. Sai lầm khi xác định Hỗ trợ – Kháng cự

Khi làm việc với các nhà đầu tư trong các Khoá học Đầu tư chứng khoán thực chiến, Tôi nhận ra nhiều sai lầm dẫn tới việc xác định sai các vùng giá quan trọng để quan sát.

Sai lầm #1: Xác định mọi đỉnh – đáy là kháng cự – hỗ trợ

Xác định mọi đỉnh – đáy như Hỗ trợ – Kháng cự là sai lầm nghiêm trọng nhất. Điều này không mang lại hiệu quả cho phân tích kỹ thuật. Nó chỉ làm cho mọi thứ rối tung lên mà thôi.

Cùng xem thử một minh hoạ khi người mới thực hành kiến thức này:

Sai lầm khi xác định Hỗ trợ - Kháng cự trong phân tích kỹ thuật chứng khoán thực chiến
Sai lầm khi xác định Hỗ trợ – Kháng cự trong phân tích kỹ thuật chứng khoán thực chiến

Tôi đã đánh dấu theo thứ tự từ #1 – #10. Trong minh hoạ với Cổ phiếu MSN khung daily. Theo nguyên tắc:

  1. Các vùng nằm trên thị giá là Kháng cự thì chúng ta có tới 9 cái kháng cự
  2. Các vùng nằm dưới thị giá là hỗ trợ thì chúng ta chỉ có duy nhất 1 hỗ trợ.

Xác định với tất cả đỉnh – đáy như vậy sẽ làm phán đoán chốt lời – mua thêm của chúng ta bị nhiễu và sai. Nếu kháng cự dày đặc như vậy thì làm sao chúng ta dám mua vào khi giá tăng tới các vùng đó!?

Bây giờ cùng xem biểu đồ kỹ thuật mà Tôi chuyển qua khung tuần:

Điều chỉnh cách xác định Hỗ trợ - Kháng cự phân tích chứng khoán

Đây là Hai vùng hay chỉ là một vùng!?

Đỉnh 6 và 7 trên khung Daily, chỉ là 1 đỉnh trên khung W

Ở hai vị trí mà Tôi đánh dấu Hotspot trên biểu đồ Cổ phiếu MSN, bạn có thể thấy vùng #4 và #5 có thể hợp nhất. Vùng #6 và #7 có thể hợp nhất.

Vùng #2 và #3 dường như không có ý nghĩa quá nhiều.

Sai lầm #2: Bỏ qua thanh khoản

Đây là sai lầm đến từ sự tham lam và thiếu hiểu biết của nhà đầu tư.

Vấn đề này đến khi nhà đầu tư đã thực hiện phân tích kỹ thuật cho một mã cổ phiếu và sau đó chờ đợi. Khi giá bắt đầu giảm sâu về vùng giá chờ đợi thì họ bắt đầu mua vào tại Hỗ trợ được xác định trước đó.

Tuy nhiên, Cổ phiếu giảm sâu là do mất thanh khoản vì vậy nó tiếp tục giảm sâu và phá vỡ mọi ngưỡng Hỗ trợ khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.

Phân tích Kỹ thuật chứng khoán thất bại khi Cổ phiếu Mất thanh khoản - Múa bên trăng
Phân tích Kỹ thuật chứng khoán thất bại khi Cổ phiếu Mất thanh khoản – Múa bên trăng

Minh hoạ phía trên là Cổ phiếu NVL tháng 11-2023. Giai đoạn NVL mất thanh khoản vì thị trường trái phiếu Việt Nam có vấn đề. Lúc này phân tích kỹ thuật chứng khoán sẽ thất bại. Chúng ta không nên cố gắng mua vào Cổ phiếu NVL ở bất kỳ vùng Hỗ trợ nào được xác định trước đó vì cổ phiếu liên tục giảm sàn.

Phải luôn nhớ rằng Sự hoảng loạn nguy hiểm hơn Tham lam rất nhiều.

Sai lầm #3: Xác định trên khung thời gian nhỏ

Sai lầm cuối cùng mà người mới hay mắc phải khi xác định Hỗ trợ – Kháng cự đó là dùng các Timeframe từ 1 giờ – 4 giờ để phân tích kỹ thuật chứng khoán.

Đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là thời gian hoạt động chỉ khoảng 5 tiếng mỗi ngày vì vậy các Timeframe nhỏ thường phản ánh không chính xác nhu cầu thị trường.

Xem lại Sai lầm 1 để thấy khi xác định trên khung Daily, Chuyển qua khung Weely, các vùng cũng có dấu hiệu bị sai và biến mất.

Khi thị trường thay đổi, các vùng trên khung thời gian nhỏ là các vùng dễ bị phá vỡ và gây ra sai lầm nhiều nhất.

4. Cách xác định Hỗ trợ – Kháng cự tiềm năng

Câu hỏi đặt ra là: Đâu là tín hiệu giúp xác định một vùng hỗ trợ – kháng cự tiềm năng hơn các vùng giá khác?

Với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, tác động của Khối tự doanh và khối ngoại lên biến động thị trường rất lớn. Vì vậy, buộc khi xác định các vùng giá tiềm năng chúng ta phải lưu ý tới yếu tố Khối lượng và hoạt động của Tự doanh – Khối ngoại.

4.1. Lý thuyết Dow về Khối lượng

Lý thuyết Dow không phải là một bản thể chính thức mà chỉ là tập hợp các bài viết của Charles Henry Dow là một nhà báo người Mỹ, người đồng sáng lập Dow Jones & Company cùng với Edward Jones và Charles Bergstresser. Charles Dow cùng cộng sự đã phát minh ra các chỉ số Dow (DJA và DJTA) được sử dụng phổ biến tới ngày hôm nay.

Trong các bài viết của Charles Dow, Ông quan sát thấy rằng:

  1. Trong thị trường giá tăng: Giá cổ phiếu tăng, Khối lượng giao dịch tăng. Giá cổ phiếu giảm, Khối lượng giao dịch giảm.
  2. Trong thị trường giá giảm: Giá cổ phiếu giảm, Khối lượng giao dịch tăng. Giá cổ phiếu tăng, Khối lượng giao dịch giảm.

Chúng ta có thể sử dụng lý thuyết này kết hợp với Hỗ trợ – Kháng cự trong phân tích kỹ thuật thực chiến Chứng khoán để có được vùng giá tốt nhất.

4.2 Khối lượng và Hỗ trợ – Kháng cự

Từ lý thuyết Dow về Khối lượng phía trên, chúng ta có thể sử dụng để xác định các Hỗ trợ – Kháng cự tiềm năng như sau

Kháng cự tiềm năng

Sẽ xuất hiện trong xu hướng GIẢM khi giá tiếp cận các vùng Kháng cự, Khối lượng mua giảm. Xuất hiện các đợt bán lớn làm giá giảm mạnh và khối lượng tăng mạnh.

Kết hợp khối lượng để xác định kháng cự tiềm năng
Kết hợp khối lượng để xác định kháng cự tiềm năng

Trong minh hoạ với Cổ phiếu VIC phía trên chúng ta có thể thấy các tín hiệu sau:

  1. Xu hướng chính trước đó là Xu hướng giảm.
  2. Vùng giá 70.000 – 75.000 trước đó là Hỗ trợ, trong năm 2023 chuyển thành kháng cự.
  3. Khi tiếp cận kháng cự 75.000 đ/cp, Khối lượng mua giảm. Xuất hiện khối lượng bán tăng đột biến và giá giảm mạnh phù hợp với lý thuyết Dow.
  4. Khi giá tăng phục hồi, Khối lượng không tăng. Khi giá tiếp tục giảm, Khối lượng tăng mạnh.

Như vậy chúng ta đi đến kết luận rằng Vùng giá 70.000 – 75.000 là vùng kháng cự tiềm năn buộc chúng ta phải bán cổ phiếu mà không nên tiếp tục nắm giữ.

Hỗ trợ tiềm năng

Sẽ xuất hiện trong xu hướng TĂNG khi giá tiếp cận các vùng Hỗ trợ. Khối lượng bán giảm khi giá giảm. Xuất hiện các đợt mua làm giá tăng và Khối lượng mua tăng.

Kết hợp Khối lượng để xác định Hỗ trợ tiềm năng
Kết hợp Khối lượng để xác định Hỗ trợ tiềm năng

Chúng ta quan sát Chỉ số VNINDEX tại vùng chỉ sos 1000 – 1026 điểm vào tháng 02-2021:

  1. Xu hướng chính là xu hướng tăng từ 655 điểm lên 1200 điểm
  2. Khi chỉ số vượt ngưỡng này và tiếp cận vùng 1200, ngay lập tức giảm mạnh với Khối lượng tăng đột biến cho thấy vùng 1200 vẫn là kháng cự rất mạnh.
  3. Khi giảm về Hỗ trợ 1000 – 1026, khối lượng bắt đầu tắt, cạn kiệt cho thấy người bán không còn. Chỉ số khối lượng giảm rất sâu khi giá giảm điều này trái với Lý thuyết Dow.
  4. Khi giá tăng trở lại, Khối lượng lập tức tăng mạnh trở lại và duy trì tạo đỉnh thanh khoản liên tục. Đây là tín hiệu đặc trưng của Xu hướng tăng theo lý thuyết Dow.

Như vậy chúng ta có thể kết luận sau khi ngưỡng kháng cự 1000 – 1026 điểm bị phá vỡ và chuyển thành Hỗ trợ, nhà đầu tư có xu hướng tin cậy mức hỗ trợ này và chờ đợi cơ hội mua vào chứ không bán ra -> Hỗ trợ tiềm năng theo xu hướng.

5. Bốn quy tắc xác định Hỗ trợ – Kháng cự

Tôi đặt ra một số nguyên tắc khi vẽ – xác định Vùng hỗ trợ – Kháng cự một cách tương đối:

  1. Xác định trên biểu đồ kỹ thuật khung tuần của Cổ phiếu hoặc chỉ số.
  2. Hỗ trợ tiềm năng được xác định tại các vùng đáy khi giá giảm, khối lượng giảm – Giá tăng, khối lượng tăng.
  3. Kháng cự tiềm năng được xác định tại các vùng đỉnh khi giá tăng, khối lượng giảm – Giá giảm, khối lượng tăng.
  4. Là vùng có phản ứng bán ngay lập tức khi giá tiếp cận

Mời bạn xem chi tiết các vùng Support – Resistance trên biểu đồ kỹ thuật giá vàng hàng ngày dưới đây:

Quy tắc xác định Hỗ trợ - Kháng cự quan trọng.

Vùng hỗ trợ VIC phản ứng tăng mạnh khi giảm về

Vùng kháng cự VIC liên tục bị bán khi tiếp cận

Hỗ trợ mạnh chuyển thành Kháng cự mạnh bị bán ngay lập tức khi tiếp cận

Khi quan sát, chúng ta có thể thấy đó là những vùng cực kỳ nhạy cảm. Ngay khi giá vàng chạm vào các vùng này thì xác suất đảo chiều đến 80%. Hầu hết các vùng đều xảy ra biến động cực mạnh khi tỷ giá cham tới vùng được xác định mà không hề bị phá vỡ.

Để áp dụng tốt các chiến lược đi kèm các vùng Kháng cự và hỗ trợ, tôi khuyên chân thành bạn nên sử dụng các vùng này kèm với các tín hiệu báo hiệu giá sẽ đảo chiều như:

Ngoài ra, khi giá đã phá vỡ đường kháng cự và tạo Đỉnh cao mới (New Overall High) thì bạn có thể sử dụng tín hiệu phân kỳ MACD và các mô hình nến kể trên để dự báo sớm khả năng đảo chiều.

5. Khung thời gian xác định hiệu quả nhất

Trong suốt quá trình giao dịch, Tôi đã đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm khi xác định Hỗ trợ – Kháng cự trên các khung thời gian và nhận thấy:

Thị trường chứng khoán cơ sở Việt Nam: Khung thời gian tối thiểu nên xác định là khung 1 ngày. Có thể phân tích trên 3 khung: Tháng – Tuần – Ngày. Khung 4 giờ không hiệu quả vì thực tế Tổng thời gian giao dịch trong 1 ngày cũng chỉ có khoảng 5 giờ mà thôi.

Trong hình trên, bạn có thể thấy một vài mức kháng cự, trên biểu đồ 1 giờ, có vẻ như chúng có thể là vùng hỗ trợ và kháng cự tốt. Tuy nhiên, khi bạn chuyển sang cùng thời gian trên biểu đồ 1 ngày, các mức này thực tế sẽ biến mất.

Lựa chọn khung thời gian cao hơn (Mn, W1, D1) có thể sẽ làm giảm độ nhiễu tín hiệu của các khung thời gian thấp.

Trong trường hợp khi bạn chuyển sang khung thời gian cao hơn và các vùng Support – Resistance từ khung thời gian thấp vẫn còn giữ nguyên ở khung thời gian cao. Thì đó chắc chắn là một vùng hỗ trợ và kháng cự rất mạnh.

6. Hỗ trợ chuyển thành kháng cự

Hỗ trợ chuyển thành kháng cự: Đây là trường hợp khi tỷ giá phá vỡ Hỗ trợ để tiếp tục giảm sâu. Vùng Hỗ trợ bị phá trong quá khứ, tương lai sẽ chuyển thành Kháng cự.

Xem lại biểu đồ Cổ phiếu VIC phía trên:

Quy tắc xác định Hỗ trợ - Kháng cự quan trọng.

Vùng hỗ trợ VIC phản ứng tăng mạnh khi giảm về

Vùng kháng cự VIC liên tục bị bán khi tiếp cận

Hỗ trợ mạnh chuyển thành Kháng cự mạnh bị bán ngay lập tức khi tiếp cận

Vùng giá từ 70.000 – 75.000đ/cp trong giai đoạn từ 2018 – tháng 06 năm 2022 liên tục là Hỗ trợ quan trọng cho Cổ phiếu VIC. Tuy nhiên, sau khi bị phá vỡ vào tháng 06-2023 thì vùng giá này chuyển chức năng thành Kháng cự. Cổ phiếu VIC liên tục bị bán mạnh khi tăng tới 70.00 – 75.000 kể từ tháng 11-2022 tới hiện tại.

7. Kháng cự chuyển thành hỗ trợ

Kháng cự chuyển thành hỗ trợ: Đây là trường hợp mà Tỷ giá phá vỡ Kháng cự để tiếp tục tăng giá. Vùng Kháng cự bị phá trong quá khứ, tương lai sẽ chuyển công năng thành Hỗ trợ.

Kháng cự chuyển thành hỗ trợ trong Phân tích chứng khoán
Kháng cự chuyển thành hỗ trợ trong Phân tích chứng khoán

Biểu đồ kỹ thuật Cổ phiếu TCL cho thấy trong giai đoạn 2014 – 2020, vùng giá 24.000 – 25.000 liên tục là kháng cự. Sau khi bị phá vỡ vào cuối năm 2021, vùng giá kháng cự này trở thành Hỗ trợ quan trọng và liên tục được chờ mua mạnh. Giá phản ứng rất mạnh mẽ khi TCL giảm về 24.000 – 25.000

Một trong các vùng giá quan trọng cần chú ý là khi Kháng cự hoặc Hỗ trợ kết hợp với Vùng tròn số – Big Round Number được chia sẻ dưới đây.

8. Hỗ trợ – Kháng cự tâm lý tròn số

Một loại Hỗ trợ – Kháng cự quan trọng nữa cần xem xét trong nội dung này là các Vùng giá tâm lý và các vùng tròn số.

Mời các bạn theo dõi biểu đồ kỹ thuật Chỉ số VNINDEX dưới đây:

Vùng Hỗ trợ - Kháng cự tâm lý tròn số chứng khoán
Vùng Hỗ trợ – Kháng cự tâm lý tròn số chứng khoán

Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao mỗi lần quay trở về các vùng giá tròn số quan trọng như 900 điểm, 1000 điểm, 1200 điểm… VNINDEX lại có xu hướng tăng mạnh trở lại hoặc giảm cắm đầu không!?

Đó được coi là các ngưỡng Tâm lý mà nhà đầu tư luôn chờ đợi để thực hiện một hành động nào đó trong phân tích kỹ thuật và thường thì nó rơi vào các vùng tròn số rất khó chịu.

Gần nhất trong tháng 10-2023, khi VNINDEX quay về vùng 1200 điểm, ngay lập tức đã bị bán rất mạnh.

Phần này sẽ để các bạn tự quan sát và trải nghiệm thêm.

Tổng kết

Sử dụng Hỗ trợ – Kháng cự là khái niệm nền tảng trong Phân tích kỹ thuật trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nên thực hành và kết hợp thêm với phân tích cơ bản sau đó dùng chính trải nghiệm cá nhân để đúc rút ra kinh nghiệm.

Bất kể hình thức nào cũng có xác suất đúng – sai vì vậy cần phân bổ vốn phù hợp để tránh bị kẹt vốn. Và cũng không nên tin tưởng bất kỳ phân tích nào 100% để quyết định tất tay vào 1 mã cổ phiếu.

Nhà đầu tư nên học thêm cách Định giá cổ phiếuXây dựng danh mục đầu tư để quản lý quá trình đầu tư – ra quyết định chính xác hơn.

Chúc các bạn giao dịch thành công!

4.7/5 – (100 bình chọn)

Đặt câu hỏi cho HODL.VN trên một trong các kênh hỗ trợ sau: Zalo | Discord | Telegram | Facebook Group | Youtube

0 trong 37 bài học đã hoàn thành (0%)