Định giá chứng khoán là một khía cạnh quan trọng trong đầu tư tài chính. Nó giúp nhà đầu tư xác định giá trị thực của cổ phiếu và các tài sản tài chính khác.
Bằng cách định giá, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư hợp lý và tối ưu hóa lợi nhuận. Để thực hiện điều này, các nhà đầu tư sử dụng nhiều mô hình định giá khác nhau.
Các nội dung trong Khoá học Định giá chứng khoán, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Các Mô hình định giá và áp dụng vào quá trình đầu tư thực tế.
Bài viết đầu tiên, HODL.VN sẽ cùng bạn tìm hiểu về Khái niệm định giá chứng khoán, một số mô hình định giá kinh điển. Sau đó, sẽ là một số chỉ dẫn và yêu cơ bản để người mới có thể tự học cách định giá một cổ phiếu cụ thể.
Nội dung bài học
I. Định Giá Chứng Khoán Là Gì?
Định giá chứng khoán là quá trình xác định giá trị thực của một cổ phiếu hoặc công cụ tài chính khác. Quá trình định giá giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về giá trị nội tại của tài sản tài chính mà họ đang xem xét, từ đó đưa ra quyết định hành động và các phản đầu tư hợp lý.
II. Mục đích của Định Giá Chứng Khoán
Định giá chứng khoán là quá trình xác định giá trị thực của một cổ phiếu hoặc công cụ tài chính cụ thể. Nhà đầu tư có bảy mục đích chính khi thực hiện quá trình định giá:
Mục đích #1: Xác định giá trị nội tại
Quá trình định giá sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ một cách tương đối giá trị nội tại của loại chứng khoán mà họ đang xem xét. Từ quá trình này, nhà đầu tư sẽ thực hiện so sánh phần định giá so với giá trị đang được giao dịch của chứng khoán để xác định liệu chứng khoán có đang bị bán giá cao, thấp hoặc đúng so với giá trị nội tại hay không.
Quá trình này giúp nhà đầu tư tiến tới mục đích thứ hai – Ra quyết định đầu tư.
Mục đích #2: Ra Quyết Định Đầu Tư Hợp Lý
Khi biết được giá trị nội tại của một loại chứng khoán, nhà đầu tư sẽ dựa vào đó để thực hiện các hành động hoặc phản ứng phù hợp.
Có hai dạng quyết định đầu tư cơ bản đó là:
1. Quyết định giao dịch: Nhà đầu tư sẽ so sánh thị giá và giá trị nội tại. Nếu thị giá cao hơn giá trị nội tại, họ sẽ không mua hoặc thực hiện giao dịch bán để chốt lời. Khi thị giá thấp hơn giá trị nội tại, họ sẽ xem xét cơ hội mua vào loại chứng khoán đó với kỳ vọng giá sẽ phục hồi về ít nhất là giá trị nội tại. Khoảng chênh lệch giữa Thị giá và giá trị nội tại là lợi nhuận mà họ kỳ vọng.
2. Tối ưu hoá danh mục đầu tư: Định giá giúp tối ưu hóa danh mục đầu tư bằng cách lựa chọn các chứng khoán có tiềm năng tăng trưởng cao và giá trị hợp lý. Nếu một loại chứng khoán giảm giá trị nội tại, nhà đầu tư sẽ xem xét loại ra khỏi danh mục và thực hiện định giá, tìm kiếm một mã chứng khoán khác để thay thế.
Mục đích #3: Xác định tiềm năng và rủi ro
Khi thực hiện định giá cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ buộc phải thực hiện quá trình phân tích tài chính doanh nghiệp. Quá trình này giúp phân tích sức khoẻ tài chính doanh nghiệp thông qua việc đánh giá Doanh thu, lợi nhuận, tài sản, nợ…
Các yếu tố này sẽ cung cấp chi tiết về tiềm năng hoặc mức độ rủi ro khi đầu tư vào một cổ phiếu cụ thể. Sẽ rất khó để đầu tư hoặc kinh doanh nếu không hiểu được rủi ro là gì.
Mục đích #4: Quản lý giá trị tài sản
Định giá chứng khoán là một quá trình liên tục qua từng quý, từng năm. Vì vậy đây là công cụ quan trọng trong quản lý tài sản và định giá doanh nghiệp.
Việc định giá giúp nhà đầu tư biết giá trị doanh nghiệp đang tăng hay giảm. Từ đó sẽ có quyết định chính xác cho từng loại tài sản. Việc định giá cũng giúp cho các cấp quản lý nắm được chi tiết giá trị doanh nghiệp để đưa ra quyết định trong các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Mục đích #5: Đánh Giá Hiệu Suất Đầu Tư
Việc định giá theo chu kỳ giúp nhà đầu tư theo dõi được hiệu suất đầu tư. Việc đo lường kết quả đầu tư theo chu kỳ và giai đoạn là vô cùng quan trọng. Nó giúp điều chỉnh các chiến lược và kế hoạch đầu tư.
Sẽ rất khó để tồn tại nếu thực hiện đầu tư mà không đo lường hiệu suất. Tại Việt Nam, Tôi thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có thói quen làm báo cáo đầu tư hàng quý, bán niên và hàng năm.
Cũng chính vì điều này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực tế không biết chính xác họ kiếm được bao nhiêu sau một năm, dòng vốn ra – vào thế nào. Và cũng đồng nghĩa họ không nắm được hiệu suất đầu tư cụ thể.
Mục đích #6: Định Hướng Chiến Lược Đầu Tư
Định giá chứng khoán là một trong những kim chỉ nam giúp Tôi có thể thực hiện và bám sát các chiến lược đầu tư dài hạn.
Nhờ có định giá mà Tôi biết đâu là khoản đầu tư xứng đáng để nắm giữ dài hạn và sẵn sàng tăng tỷ trọng nếu xuất hiện các đợt điều chỉnh về giá mà không cần lo ngại về rủi ro. Tôi cũng dùng các kết quả định giá để xem xét giảm tỷ trọng vào các mã cổ phiếu – các ngành có dấu hiệu đuối sức trong chu kỳ kinh tế.
Mục đích #7: Đánh giá xu hướng thị trường
Trong quá trình định giá, thực tế nhà đầu tư cũng đồng thời xác định, đánh giá, dự báo về xu hướng thị trường. Khi phân tích tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ biết xu hướng doanh thu – lợi nhuận – nợ – tài sản của doanh nghiệp tăng hay giảm.
Việc này vô hình chung định hình các kỳ vọng về giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Khi nhà đầu tư nhận thấy Doanh thu, lợi nhuận, tài sản tăng và nợ giảm họ có thể sẽ kỳ vọng giá trị doanh nghiệp đăng tăng lên. Và vì thế họ dự báo giá cổ phiếu sẽ tăng. Ngược lại, khi doanh thu, lợi nhuận, tài sản giảm và nợ tăng, họ sẽ cho rằng sức khoẻ doanh nghiệp đang kém đi. Họ sẽ dự báo giá cổ phiếu có rủi ro giảm.
Những phân tích và dự báo này góp phần đưa ra quyết định cụ thể.
III. Các mô hình định giá chứng khoán
Có nhiều phương pháp để định giá chứng khoán, mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng. Dưới đây là 12 phương pháp phổ biến:
STT | Viết tắt | Tên tiếng Việt | Tên tiếng Anh | Tác giả mô hình |
---|---|---|---|---|
1 | CAPM | Mô hình Định giá Tài sản Vốn | Capital Asset Pricing Model | William Sharpe, John Lintner, Jan Mossin |
2 | DCF | Mô hình Định giá theo Chiết khấu Dòng tiền | Discounted Cash Flow | Irving Fisher, John Burr Williams |
3 | DDM | Mô hình Định giá theo Cổ tức | Dividend Discount Model | John Burr Williams |
4 | PE | Mô hình Định giá theo Thu nhập | Price-to-Earnings Model | Benjamin Graham, David Dodd |
5 | Yield | Mô hình Định giá theo Lợi suất | Yield-Based Models | N/A |
6 | APT | Mô hình Định giá theo Hệ số Bù đắp Rủi ro | Arbitrage Pricing Theory | Stephen Ross |
7 | NAV | Mô hình Định giá Tài sản ròng | Net Asset Value | N/A |
8 | BS | Mô hình Định giá theo Quyền chọn | Black-Scholes Model | Fischer Black, Myron Scholes |
9 | ABV | Mô hình Định giá theo Bản chất Tài sản | Asset-Based Valuation | N/A |
10 | GVM | Mô hình Định giá theo Tăng trưởng và Giá trị | Growth and Value Models | Benjamin Graham, David Dodd |
11 | TA | Mô hình Định giá theo Phân tích Kỹ thuật | Technical Analysis Models | Charles Dow |
12 | FA | Mô hình Định giá theo Phân tích Cơ bản | Fundamental Analysis Models | Benjamin Graham, David Dodd |
Bạn có thể xem chi tiết So sánh Ưu – Nhược điểm 12 Mô hình định giá chứng khoán kinh điển.
Khi sắp xếp các mô hình theo nhóm, chúng ta sẽ có ba nhóm Định giá là Cơ bản – Kỹ thuật – Định tính:
Phân Tích Cơ Bản
- Phân Tích Báo Cáo Tài Chính: Đánh giá dựa trên các yếu tố tài chính như lợi nhuận, doanh thu, tài sản và nợ.
- Mô hình Định giá Tài sản Vốn (CAPM): Xác định mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.
- Mô hình Định giá theo Chiết khấu Dòng tiền (DCF): Định giá dựa trên dòng tiền tương lai chiết khấu về hiện tại.
- Mô hình Định giá theo Cổ tức (DDM): Định giá dựa trên giá trị hiện tại của các dòng cổ tức tương lai.
Phân Tích Kỹ Thuật
- Sử Dụng Biểu Đồ Giá: Dựa vào lịch sử giá và khối lượng giao dịch để dự báo xu hướng giá trong tương lai.
- Các Chỉ Báo Kỹ Thuật: Sử dụng các chỉ báo như RSI, MACD, MA để xác định điểm mua bán hợp lý.
Phân Tích Định Tính
- Đánh Giá Môi Trường Kinh Doanh: Xem xét các yếu tố vĩ mô như tình hình kinh tế, chính trị, và xu hướng thị trường.
- Đánh Giá Quản Lý: Phân tích năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ quản lý công ty.
IV. Các Thách Thức Trong Định Giá Chứng Khoán
Mặc dù các nhà đầu tư được khuyến nghị nên thực hiện quá trình định giá các loại tài sản họ đầu tư, nhưng có rất nhiều thách thức mà không phải ai cũng có thể thực hiện quá trình định giá.
Thách thức #1: Phạm vi kiến thức
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Việt Nam đại đa số đều không được đào tạo chuyên ngành kinh tế cụ thể. Khi bắt đầu rất ít người thực hiện việc phân tích doanh nghiệp một cách cơ bản thông qua hoạt động kinh doanh, cân đối kế toán, lưu chuyển tiền tệ… Họ cũng không hiểu những khái niệm, thuật ngữ kinh tế được đề cập trong báo cáo này. Và vì thế đại đa số đang đầu tư dựa theo phân tích kỹ thuật, hoặc theo phong trào.
Để củng cố thêm kiến thức, họ cũng gặp rào cản bởi quá nhiều các khoá học lừa đảo xuất hiện trên internet chủ yếu để… lùa gà. Việc này tạo ra những ác cảm với những người thực hiện quá trình đào tạo. Và từ đó hạn chế phạm vi kiến thức và khả năng học hỏi.
Thách thức #2: Độ chính xác của dự báo
Vì phạm vi kiến thức hẹp, nhà đầu tư mới cũng gặp khó khăn trong việc dự báo chính xác dòng tiền tương lai, và tỷ lệ chiết khấu cụ thể.
Việc không tính toán các số liệu này đẩy nhà đầu tư vào rủi ro, các dự báo họ đưa ra hầu hết đều gặp vấn đề là độ chính xác không cao.
Đôi khi các nhà đầu tư mua chỉ vì tin, yêu một mã cổ phiếu, hoặc tin lời của một vị CEO nào đó và kết quả là ôm trái đắng. Gần nhất là vụ thao túng chứng khoán liên quan tới sáng lập Tập đoàn FLC – Trịnh Văn Quyết.
Thách thức #3: Tính phức tạp của thị trường
Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển thì mức độ phức tạp sẽ càng gia tăng. Có thêm nhiều yếu tố khó lường xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc.
Ví dụ:
- Giai đoạn COVID-19, chứng khoán có một pha giảm rất mạnh
- Các biến cố liên quan tới Thị trường trái phiếu qua vụ án Truong Mỹ Lan và đồng bọn.
- Các biến cố như vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh
- Vụ nâng khống vốn ROS và đưa lên sàn với sự giúp sức của chính Chủ tịch và Tổng giám đốc sàn HSX
- …
Thách thức #4: Biến đổi của môi trường kinh doanh
Môi trường kinh doanh thay đổi liên tục cũng gây ra những khó khăn khi thực hiện phân tích và dự báo.
Ví dụ: Cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ với thế cục thay đổi có thể tạo ra bước ngoặt thay đổi môi trường kinh doanh. Trumponomic 2.0 với quan điểm Nước Mỹ trên hết và đưa Việc làm trở lại nước Mỹ.
V. Cách để người mới học và sử dụng các mô hình định giá chứng khoán
Bước 1: Bắt đầu với lý thuyết cơ bản
Người mới nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu lý thuyết cơ bản về các mô hình định giá chứng khoán. Đọc sách và tài liệu từ các chuyên gia như “Security Analysis – Phân tích chứng khoán” của Benjamin Graham và David Dodd, hay “Investments” của Zvi Bodie sẽ cung cấp nền tảng vững chắc.
Trên HODL.VN, chúng tôi cũng xây dựng các khoá học chứng khoán cơ bản tới chuyên sâu trong 6 khoá học miễn phí bao gồm:
- Chứng khoán cơ bản
- Kỹ thuật thực chiến
- Price Action Chứng khoán
- Định giá chứng khoán
- Xây dựng danh mục đầu tư
- Quản trị rủi ro
Các cuốn sách về các huyền thoại đầu tư như Jessie Live More, Warren Buffett, Charlie Munger, Jack Bogle, Charles H. Dow… sẽ cung cấp cho nhà đầu tư thêm kiến thức về CÁCH những huyền thoại đầu tư ra quyết định đầu tư, góc nhìn về các thời điểm then chốt của thị trường, cách lựa chọn cổ phiếu và công ty để đầu tư, cách định giá một doanh nghiệp…
Bước 2: Thực hành với dữ liệu thực tế
Tải về các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, in ra và bắt đầu đọc, nghiên cứu các nội dung được công bố trên BCTC.
Tìm kiếm BCTC mới nhất của doanh nghiệp tại đây: https://congbothongtin.ssc.gov.vn/
Sử dụng các công cụ phân tích tài chính như Excel hoặc các phần mềm chuyên dụng để thực hành. Bắt đầu bằng việc thu thập dữ liệu tài chính của các công ty và áp dụng các mô hình đã học để định giá.
Sắp xếp dữ liệu theo chu kỳ thời gian (Quý – Năm) và thực hiện phân tích xu hướng dữ liệu thực tế bằng cách vẽ các biểu đồ phân tích Doanh thu – Lợi nhuận – Tổng tài sản – Tổng nợ… trên các phần mềm như Excel, Number, Google Sheet…
Bước 3: Sử dụng các công cụ và phần mềm phân tích
Sử dụng các công cụ phân tích tài chính như Bloomberg, Reuters, hoặc các nền tảng giao dịch trực tuyến để thu thập và phân tích dữ liệu. Các công cụ này cung cấp các tính năng mạnh mẽ để áp dụng các mô hình định giá.
Tại Việt Nam có nhiều đơn vị cung cấp dữ liệu phân tích trong đó:
- Nền tảng phân tích từ các công ty chứng khoán như SSI, TCBS…
- Vietstock.vn
- Fireant.vn
- Simplize.vn
Và bạn có thể theo dõi thêm mục Tin nóng trên Discord HODL.VN. Chuyên mục tự động cập nhật toàn bộ tin tức nhanh – mới nhất về thị trường chứng khoán từ hơn 100 tờ báo tài chính lớn tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Bước 4: Thực hành liên tục và theo dõi thị trường
Định giá chứng khoán không chỉ là lý thuyết mà còn cần thực hành liên tục. Theo dõi thị trường, cập nhật thông tin kinh tế và tài chính, và điều chỉnh mô hình định giá theo thực tế là điều cần thiết.
Việc định giá nên được thực hiện theo ba chu kỳ thời gian:
- Đánh giá trung hạn theo Quý
- Đánh giá trung hạn bán niên
- Đánh giá dài hạn theo năm
Bước 5: Tham gia các khóa học và hội thảo
Tham gia các khóa học trực tuyến hoặc hội thảo về đầu tư và định giá chứng khoán. Các nền tảng học trực tuyến như Coursera, edX, và Udemy, HODL.VN… cung cấp nhiều khóa học chất lượng từ các trường đại học hàng đầu và những nhà đầu tư có kinh nghiệm thực tế.
VI. Tổng kết
Định giá chứng khoán là một kỹ năng quan trọng trong đầu tư tài chính. Hiểu và áp dụng đúng các phương pháp định giá sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định thông minh. Quá trình này cũng hỗ trợ tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời quản lý rủi ro hiệu quả.
Việc nắm vững các phương pháp định giá cũng là nền tảng để trở thành một nhà đầu tư thành công trên thị trường chứng khoán.
Trong các bài học tiếp theo, Tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu các Mô hình định giá chứng khoán kinh điển