Thị trường chứng khoán là gì? Hiểu thế nào cho đúng về thị trường vốn và cách bắt đầu để học đầu tư chứng khoán?
Trang bị kiến thức đầu tư chứng khoán từ Cơ bản đến nâng cao sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu sâu hơn về Thị trường vốn. Hiểu về cách mà vốn thông qua thị trường chứng khoán tác động tới nền kinh tế vĩ mô sau đó tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Chúng ta sẽ bắt đầu Chuyên đề Học đầu tư chứng khoán từ những khái niệm cơ bản đến nâng cao!
Thị trường chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán là một tập hợp bao gồm những người mua và người bán cổ phiếu (hay chứng khoán), thứ đại diện cho quyền sở hữu của họ đối với một doanh nghiệp; chúng có thể bao gồm các cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đại chúng, hoặc những cổ phiếu được giao dịch một cách không công khai.
Ví dụ như cổ phần của một công ty tư nhân được bán cho các nhà đầu tư thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng – Crowdfunding. Những khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán hầu hết được thực hiện thông qua môi giới chứng khoán và nền tảng giao dịch điện tử.
Quy mô thị trường chứng khoán toàn cầu
Tổng vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng từ 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 1980 lên 68,65 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2018.
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, tổng vốn hóa thị trường của toàn bộ số cổ phiếu toàn cầu đã đạt mức xấp xỉ 90 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Có 60 sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới.
Trong số đó, có 16 sàn giao dịch có vốn hóa thị trường đạt mức 1 nghìn tỷ USD trở lên, chiếm tỷ lệ 87% vốn hóa thị trường toàn thế giới.
Ngoài Sàn giao dịch chứng khoán Úc, 16 sàn giao dịch này đều nằm tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Theo quốc gia, thị trường chứng khoán lớn nhất nằm Hoa Kỳ (khoảng 34%), theo sau là Nhật Bản (khoảng 6%) và Vương quốc Anh (khoảng 6%).
Vai trò, chức năng của Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn cho nền kinh tế đất nước.
Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán do các công ty phát hành, số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội.
Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Thị trường Chứng khoán đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Thông qua Thị trường Chứng khoán, chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được các nguồn vốn cho mục đích sử dụng và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.
Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
Thị trường Chứng khoán cung cấp cho công chúng một kênh đầu tư tài chính lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú.
Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho loại hàng hóa phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích. Chính vì vậy, Thị trường Chứng khoán góp phần đáng kể làm tăng mức tiết kiệm quốc gia.
Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
Nhờ có Thị trường Chứng khoán các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn.
Khả năng thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư.
Thị trường Chứng khoán hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ảnh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
Giá cổ phiếu cũng là công cụ đánh giá mức độ sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp trong việc đầu tư, kinh doanh.
Tạo môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
Các chỉ báo của Thị trường Chứng khoán phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác.
Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Vì thế, Thị trường Chứng khoán được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.
Thông qua Thị trường Chứng khoán, chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát.
Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách, biện pháp tác động vào Thị trường Chứng khoán nhằm định hướng đầu tư đảm bảo cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế.
Cơ chế điều hành và Giám sát
Việc điều hành và giám sát thị trường chứng khoán được tổ chức theo nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm:
- Các cơ quan quản lý của Chính phủ: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực;
- Các tổ chức tự quản: Sở Giao dịch chứng khoán, Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán.
Tại Việt Nam, các hoạt động trên thị trường chứng khoán của nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty chứng khoán… được điều hành và giám sát bởi Ủy ban Chứng khoán nhà nước Việt Nam – STATE SECURITIES COMMISSION OF VIETNAM
Website: http://ssc.gov.vn/ubck/faces/vi/vimenu/vipages_trangchu
Đọc bài tiếp theo: Hàng hoá trên thị trường chứng khoán là gì?