Chứng khoán cơ bản

Cổ phiếu là gì? Các loại cổ phiếu được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam

Cổ phiếu là gì? Loại cổ phiếu nào đang được mua và bán trên thị trường chứng khoán? Phần tiếp theo trong khóa học đầu tư chứng khoán miễn phí, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khái niệm cổ phiếu.

Hiểu rõ về các loại cổ phần – cổ phiếu mà công ty phát hành  sẽ giúp nhà đầu tư hiểu về quyền lợi – nghĩa vụ – trách nhiệm với khoản vốn đầu tư và với chính các công ty mà họ đang đầu tư.

1. Cổ phần và Cổ đông là gì?

Khi một công ty cổ phần gọi vốn để thành lập hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập, thì số vốn đó được chia thành nhiều phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần (Share), người mua cổ phần gọi là cổ đông (Stockholders).

Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.

2. Cổ phiếu là gì?

Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho các cổ đông được gọi là cổ phiếu.

Có nhiều định nghĩa về cổ phiếu được quy định trong các luật chứng khoán ở các quốc gia.

Cổ phiếu có thể hiểu là một chứng thư xác nhận sự góp vốn và quyền sở hữu hợp pháp của một chủ thể đối với một công ty cổ phần.

Giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu tại Việt Nam
Giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu tại Việt Nam

Dưới đây là trích dẫn chính xác Khái niệm Cổ phiếu theo Luật Chứng Khoán và Luật Doanh nghiệp:

Theo khoản 2, điều 4, Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)(1)

Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

Định nghĩa này không thay đổi so với Luật Chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010.

Theo khoản 1, Điều 121 Luật Doanh Nghiệp Việt Nam Năm 2020 (Số 59/2020/QH14)(2) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021:

Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  • a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
  • b) Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
  • c) Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
  • d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
  • đ) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
  • e) Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;
  • g) Nội dung khác theo quy định tại các điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

Như vậy, chính công ty cổ phần đã khai sinh ra cổ phiếu và chỉ có công ty cổ phần mới được quyền phát hành cổ phiếu.

Các cổ đông – người mua cổ phần của công ty – là người góp vốn cùng công ty hoạt động để tạo ra vốn điều lệ, là người chủ sở hữu công ty. Vì vậy cổ phiếu còn được gọi là chứng khoán vốn.

3. Đặc điểm cơ bản của cổ phiếu

3.1. Cổ phiếu là một tài sản

Cổ phiếu là một tài sản thực sự do xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản và vốn của một công ty cổ phần.

Để đảm bảo an toàn đối với loại tài sản dưới dạng chứng khoán này, luật chứng khoán của các nước thường quy định: Các cổ đông không được giữ cổ phiếu riêng mà phải ký gửi tại công ty chứng khoán hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán.

3.2. Là một loại chứng khoán vĩnh viễn (vô thời hạn)

Các công ty cổ phần khi thành lập phải quy định thời hạn hoạt động của mình trong điều lệ công ty.

Ví dụ 20 năm, 30 năm hay 50 năm.

Hết thời hạn đó, nếu không được kéo dài, công ty hay doanh nghiệp đó phải giải thể, các cổ đông sẽ được hoàn vốn. Nhưng trong thực tế, ít có công ty đang hoạt động có hiệu quả lại giải thể. Do đó, thời hạn của cổ phiếu gắn chặt với thời hạn hoạt động của công ty đã phát hành ra nó.

Thông thường ở các nước khỉ xem xét cổ phiếu của một công ty cổ phần, người ta có sự phân biệt:

  • Cổ phiếu được phép lưu hành
  • Cổ phiếu phát hành
  • Cổ phiếu quỹ
  • Cổ phiếu đang lưu hành.

4. Thuật ngữ cơ bản gắn liền với cổ phiếu

4.1. Cổ phiếu được phép phát hành (cổ phần được quyền chào bán)

Luật pháp của các nước quy định công ty:

  • Phải đăng ký tổng số cổ phiếu của công ty
  • Phải ghi trong điều lệ của công ty

Số cổ phiếu này được gọi là cổ phiếu được phép phát hành, thể hiện tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn.

Trường hợp cần có sự thay đổi thì phải được đa số cổ đông tán thành và phải sửa đổi điều lệ công ty.

Xem số cổ phiếu đăng ký phát hành và đang lưu hành trên báo cáo tài chính
Xem số cổ phiếu đăng ký phát hành và đang lưu hành trên báo cáo tài chính

4.2. Cổ phiếu đã phát hành

Là cổ phiếu của công ty đã phát hành ra cho nhà đầu tư. Cổ phiếu đã phát hành nhỏ hơn hoặc tối đa bằng vối số cổ phiếu được phép phát hành.

Tại Việt Nam hiện nay, cổ phiếu/cổ phần đã phát hành được hiểu là cổ phần đã được nhà đầu tư thanh toán đầy đủ và những thông tin về người sở hữu được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

4.3. Cổ phiếu quỹ

Là cổ phiếu đã được phát hành bởi công ty cổ phần và mua lại bởi chính công ty phát hành đó bằng nguồn vốn hợp pháp.

Số cổ phiếu này được công ty lưu giữ.

Cổ phiếu quỹ được bán ra theo diễn biến của thị trường và chiến lược của công ty. Mục đích khi bán cổ phiếu quỹ:

  • Tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu
  • Tăng giá thị trường
  • Làm nản lòng những người muốn thâu tóm công ty.

Việc công ty mua lại cổ phiếu của chính mình phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật.

Các hình thức giá trị của cổ phiếu thường:

4.4. Mệnh giá của cổ phiếu thường (Face Value)

Mệnh giá của cổ phiếu thường (Face Value – Par Value) còn gọi là giá trị danh nghĩa, là giá trị mà công ty cổ phần ấn định cho một cổ phiếu.

Mệnh giá cổ phiếu được sử dụng để xác định số tiền tối thiểu mà công ty nhận được trên mỗi cổ phiếu mà công ty phát hành.

Mệnh giá cổ phiếu chỉ có ý nghĩa duy nhất vào thời điểm công ty phát hành cổ phiếu lần đầu tiên để huy động vốn thành lập công ty. Vì vậy, mệnh giá không tác động đến giá thị trường của cổ phiếu.

Luật pháp ở một số quốc gia cho phép công ty cổ phần có thể phát hành cổ phiếu không có mệnh giá. Loại cổ phiếu này có thể được bán với bất cứ giá nào mà họ tin là có thể bán trên thị trường.

4.5. Mệnh giá cổ phiếu tại Việt Nam là bao nhiêu?

Theo khoản 2, Điều 13, Luật Chứng khoán Việt Nam – Luật số 54/2019/QH14 ngày 26-11-2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021:

Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng.

Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100 nghìn đồng và bội số của 100 nghìn đồng.

4.6. Giá trị sổ sách (Book Value)

Book Value – Giá trị sổ sách của cổ phiếu thường là giá trị của cổ phiếu được xác định dựa trên cơ sở số liệu sổ sách kế toán của công ty (bảng cân đối kế toán).

Việc xem xét giá trị sổ sách cho phép cổ đông thấy được số giá trị tăng thêm của cổ phiếu thường sau một thời gian công ty hoạt động so với số vốn góp ban đầu.

Giá trị tài sản ròng của chứng khoán của một công ty được xác định như sau:

Tổng giá trị tài sản ròng của một đợt phát hành bằng tổng tài sản trừ tài sản vô hình, trừ nợ ngắn hạn, trừ nợ dài hạn và các loại cổ phần có quyền ưu tiên thanh toán trước.

Tổng giá trị tài sản ròng thu được được chia cho số trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi hoặc cổ phiếu phổ thông sẽ được giá trị tài sản ròng hay giá trị sổ sách trên một trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi hay cổ phiếu phổ thông.

4.7. Giá trị thị trường

Market Value – Giá trị thị trường là giá trị hiện hành của cổ phiếu thường, được xác định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài tổ chức phát hành, nên nó thường xuyên biến động.

Đây là loại giá trị quan trọng nhất của cổ phiếu. Giá thị trường của cổ phiếu được cả xã hội quan tâm theo dõi, phản ánh:

  1. Quan hệ cung cầu
  2. Kết quả kinh doanh của công ty phát hành
  3. Triển vọng của công ty.

Trong thực tế, cổ phiếu có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau theo nhiều tiêu thức khác nhau.

5. Các loại cổ phiếu được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam

5.1. Phân loại cổ phiếu theo tính chất lợi tức

Theo tính chất lợi tức, Cổ phiếu được chia làm hai loại: Cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cổ phiếu thường là gì, cổ phiếu ưu đãi là gì.

5.1.1. Cổ phiếu thường – Common Shares

Cổ phiếu thường là gì?

Cổ phiếu thường là một loại chứng khoán vốn, không có kỳ hạn, tồn tại cùng với sự tồn tại của công ty, lợi tức cổ phiếu (cổ tức) được trả vào cuối năm để quyết toán.

Cổ tức – Lợi tức của cổ phiếu

Cổ tức không cố định, phụ thuộc vào mức lợi nhuận thu được hàng năm của công ty và chính sách chia lợi nhuận của công ty.

Cổ tức là một phần trong tổng thu nhập (lợi nhuận ròng) của doanh nghiệp được dùng để chia cho cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của công ty theo tỷ lệ góp vốn (Lợi nhuận ròng = Doanh thu – Giá vốn bán hàng – Chi phí – Thuê).

Sau khi thanh toán số cổ tức dành cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi và phần trích ra để tái đầu tư theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, phần lợi nhuận ròng còn lại được chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành để tính ra cổ tức của mỗi cổ phiếu thường.

Hình thức chi trả cổ tức

Việc trả cổ tức đối với cổ phiếu thường có thể thực hiện bằng các hình thức sau:

Trả bằng tiền mặt: Đây là hình thức sử dụng phổ biến nhất, phù hợp với nguyện vọng của các nhà đầu tư. Cổ tức có thể được chi trả bằng séc, chuyển khoản, lệnh trả tiền gửi bằng bưu điện đến địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc của cổ đông.

Trả bằng chính cổ phần của công ty: Nếu công ty làm ăn tốt thì hình thức này rất hấp dẫn đối với những người có ý muốn tái đầu tư. Nguồn để trả cổ tức bằng cổ phần có thể là số cổ phần phát hành bổ sung của công ty. Hoặc cổ phần của công ty con. Cổ tức bằng cổ phần thường được tính theo số phần trăm cổ phiếu do cổ đông nắm giữ. Đối với công ty, đây là hình thức giữ tiền mặt cần thiết cho sản xuất kinh doanh. Đối với cổ đông, họ không phải chịu thuế cho đến khi bán.

Trả bằng tài sản khác của công ty: Hình thức này thường ít sử dụng trong thực tế.

Quyền lợi của cổ đông sở hữu cổ phiếu thường

Cổ đông có cổ phiếu thường được hưởng một số quyền khi họ mua cổ phần của công ty, như:

Quyền lựa chọn Hội đồng quản trị công ty thông qua đại hội đồng cổ đông.

Quyền biểu quyết về tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ tài sản của công ty (như sự sáp nhập, khả năng thanh toán, phát hành cổ phiếu bổ sung…)

Quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.

Quyền xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin của công ty như danh sách cổ đông có quyền biểu quyết, điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Quyền truy đòi cuối cùng đối với tài sản của công ty phát hành (chia lợi nhuận ròng của công ty khi có lãi) – tức là nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông – được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản.

Hưởng ưu đãi về thuế thu nhập gia tăng khi Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các công ty cổ phần.

Quyền kiểm soát (đối với cổ đông/ nhóm cổ đông lớn).

Quyền ưu tiên mua cổ phần mới, chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần thường của từng cổ đông. Tại Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ phiếu thông thường được gọi là cổ phiếu phổ thông.

5.1.2. Cổ phiếu ưu đãi – Preferred Shares

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu cổ phiếu ưu đãi là gì?

Cổ phiếu ưu đãi còn gọi là cổ phần đặc quyền, là loại cổ phần được hưởng những quyền ưu tiên hơn so với cổ phiếu thường:

  • Được hưởng một mức lãi cổ phần riêng biệt có tính cố định hàng năm. Thông thường cổ tức này được in trên bề mặt cổ phiếu ở dạng chứng chỉ.
  • Được ưu tiên chia lãi cổ phần trước loại cổ phiếu thường.
  • Được ưu tiên phân chia tài sản còn lại của công ty khi giải thể, phá sản trước loại cổ phiếu thường.

Tuy nhiên, không giống với cổ phần thường, người mua cổ phần ưu đãi thường không được hưởng quyền bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty.

Họ cũng được hưởng cổ tức giới hạn theo mức độ góp vốn. Chính vì thế, cổ đông ưu đãi chỉ có quyền sở hữu hữu hạn trong công ty.

Giá cổ phiếu ưu đãi trên TTCK thường không dao động lớn như giá cổ phiếu thường.

Preferred Shares phù hợp với những nhà đầu tư muốn có thu nhập ổn định, đều đặn, không thích mạo hiểm, rủi ro.

Để tạo sự hấp dẫn hơn, phù hợp với tâm lý muôn vẻ của các nhà đầu tư, cổ phiếu ưu đãi được đa dạng hóa và phân chia thành nhiều loại khác nhau:

Cổ phiếu ưu đãi tích lũy: Là loại cổ phiếu ưu đãi trong đó công ty cổ phần phát hành bảo đảm trả đầy đủ cổ tức cho người sở hữu. Nếu trong năm tài chính mà cổ tức không trả được thì công ty có thể dồn số cổ tức này (toàn phần hay từng phần) vào năm tài chính sau. Việc tích lũy cổ tức có thể tiến hành theo hai cách: Tích lũy thuần (tích lũy đơn) và Tích lũy ghép (tích lũy kép).

Cổ phiếu ưu đãi không tích lũy: Là loại cổ phiếu mà doanh nghiệp có lãi đến đâu trả đến đó. Phần nợ cổ tức không được tích lũy vào năm sau.

Cổ phiếu ưu đãi dự phần và cổ phiếu ưu đãi không dự phần: Loại cổ phiếu ưu đãi mà cổ đông được hưởng một phần lợi tức phụ trội theo quy định khi công ty làm ăn phát đạt và có lãi vượt bậc gọi là cổ phiếu ưu đãi dự phần. Ngược lại, loại cổ phiếu ưu đãi mà cổ đông chỉ được hưởng lãi cổ phần ưu đãi, ngoài ra không được hưởng thêm bất kỳ một khoản lợi nào, ngay cả khi công ty làm ăn phát đạt vượt bậc, gọi là cổ phiếu ưu đãi không dự phần.

Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi: Cho phép người chủ sở hữu cổ phiếu được chuyển đổi chúng thành một số lượng cổ phiếu thông thường nhất định trong một thời gian nhất định. Theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông giá cả của loại cổ phiếu ưu đãi này dao động nhiều hơn so với giá cả của các loại cổ phiếu ưu đãi khác.

Cổ phiếu ưu đãi hoàn trả:

Cổ phiếu ưu đãi hoàn trả là loại cổ phiếu cho phép công ty phát hành ra công chúng chúng có quyền thu hồi và trả lại vốn cho cổ đông hoặc đổi sang cổ phiếu ưu đãi khác có mức tỷ suất cổ tức phù hợp với lãi suất thị trường.

Thông thường các doanh nghiệp sử dụng quyền thu hồi để thu hồi các cổ phiếu ưu đãi có cổ tức hoặc mệnh giá cao, thay thế bằng những cổ phiếu có cổ tức thấp hơn nhằm cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp.

Khi thu hồi, công ty thường trả thêm cho cổ đông một khoản thưởng (thường là 5%).

Theo Khoản 2, Điều 114 Luật Doanh Nghiệp Việt Nam – Luật số 59-2020-QH14 có hiệu lực ngày 01/01/2021:

Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

  • a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
  • b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
  • c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
  • d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

5.2. Phân loại cổ phiếu theo tính chuyển nhượng

5.2.1. Cổ phiếu ký danh (cổ phiếu đích danh):

Cổ phiếu ký danh là loại cổ phiếu ghi rõ tên của người sở hữu trên bề mặt cổ phiếu ở dạng chứng chỉ.

Loại chứng khoán này ra đời đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán.

Nhược điểm: Chuyển nhượng rất phức tạp. Khi muốn chuyển nhượng cho người khác phải đăng ký tại cơ quan phát hành và phải được Hội đồng quản trị cho phép. Vì vậy, đến đầu thế kỷ thứ 18, cổ phiếu vô danh đã ra đời và đến thế kỷ 19-20, cổ phiếu vô danh đã phát triển rộng rãi và được sử dụng phổ biến.

5.2.2. Cổ phiếu vô danh

Là loại chứng khoán không ghi tên của người sở hữu, việc chuyển nhượng dễ dàng và đơn giản, không cần có thủ tục pháp lý rườm rà.

5.3. Phân loại cổ phiếu theo hình thức góp vốn

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty khi thành lập công ty hoặc tăng thêm vốn điều lệ.

Cổ phiếu góp bằng tiền: Được phát hành cho những chủ thể góp vốn bằng tiền (có thể là nội tệ hay ngoại tệ).

Cổ phiếu hiện vật: Được phát hành cho những chủ thể góp vốn bằng tài sản như vàng, tài sản, bản quyền sở hữu công nghiệp…

5.4. Phân loại theo quyền tham gia bỏ phiếu biểu quyết trong đại hội đồng cổ đông

Cổ phiếu đơn phiếu: Được phân bổ theo tỷ lệ: một cổ phiếu là một phiếu bầu. Loại cổ phần này thường sử dụng cho các doanh nghiệp ít cổ đông. Vì các cổ đông đều có thể và có điều kiện tham dự đại hội cổ đông.

Cổ phiếu đa phiếu: Quy định 1 phiếu bầu phải bao gồm nhiều cổ phiếu. Do đó, loại cổ phiếu này thường dùng cho doanh nghiệp có nhiều cổ đông.

Nhìn chung, hoạt động đầu tư cổ phiếu được thực hiện đối với nhà đầu tư khi:

  • Có nhu cầu hùn vốn với các doanh nghiệp sản xuất hay kinh doanh dịch vụ với mục đích thuần túy đầu tư tài chính hay tham gia quản lý.
  • Đã xác định được mức rủi ro trong khả năng có thể và chấp nhận rủi ro.
  • Nhằm bảo toàn giá trị tài sản đầu tư kèm mục đích thu lợi khi so sánh có lợi hơn các loại hình đầu tư khác.
  • Tạo thêm tài sản trong danh mục tài sản đầu tư.
  • Có chủ ý đầu cơ chờ thặng dư giá.

Các bất lợi khi đầu tư cổ phiếu mà nhà đầu tư cần chú ý là:

  • Rủi ro giảm giá là rất lớn, phụ thuộc chủ yếu vào các nhà điều hành công ty, chiến lược phát triển công ty và các vấn đề vĩ mô như tình hình chính trị quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước…
  • Mức doanh lợi đầu tư không ổn định, mức lợi tức cổ phần thường thấp hơn mức lãi trên thị trường vốn, đôi khi bằng không.
  • Có thể bị phong tỏa giao dịch gây khó khăn khi có nhu cầu tạo vốn.
  • Rất khó lựa chọn thời điểm thích hợp để đầu tư hay giải tỏa đầu tư.
  • Không có sự đảm bảo khả năng bảo toàn vốn đầu tư.
  • Có thể vướng mắc về thủ tục trong việc giao dịch cổ phiếu ghi danh.
  • Phải tự bảo quản hay phải chịu phí lưu ký.

Tóm lại, với những đặc trưng của mình, chứng khoán đã tạo cho các công ty cổ phần nhiều ưu thế:

  1. Có khả năng huy động được một khối lượng vốn khổng lồ từ nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng;
  2. Vốn đầu tư của các cổ đông không bị bất động qua việc mua bán hay cầm cố;
  3. Cổ phần hoá tạo điều kiện tách bạch chức năng của nhà kinh doanh với chức năng của nhà cấp vốn trong công ty cổ phần.

1: Luật chứng khoán Việt Nam có hiệu lực ngày 01-01-2021 (54/2019/QH14)

2: Luật Doanh Nghiệp Việt Nam Năm 2014 (Số 68/2014/QH13).

5/5 – (2 bình chọn)
0 trong 17 bài học đã hoàn thành (0%)

Tài khoản 0 phí giao dịch