Cổ phiếu quỹ (treasury stock) là một loại cổ phiếu đặc biệt chỉ được nắm giữ bởi công ty đại chúng khi họ mua lại một phần số lượng đã phát hành ra công chúng trước đó.
Năm 2024, thị trường chứng khoán xuất hiện tin mạnh khi CTCP Vinhomes quyết định mua lại 370 triệu cổ phiếu, tương ứng với 8.5% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Vậy cổ phiếu quỹ là gì? Đặc điểm, mức độ ảnh hưởng tới nhà đầu tư sau khi Công ty tiến hành mua – bán cổ phiếu quỹ ra sao?
HODL.VN sẽ cùng bạn làm sáng tỏ từ A-Z các thông tin, pháp luật, quy định về CỔ PHIẾU QUỸ.
Nội dung bài học
- 1. Khái niệm cổ phiếu quỹ
- 2. Đặc điểm Cổ phiếu quỹ
- 3. Lợi ích và rủi ro khi công ty MUA cổ phiếu quỹ
- 4. Lợi ích và rủi ro khi công ty BÁN cổ phiếu quỹ
- 5. Điều kiện mua lại cổ phiếu quỹ
- 6. Các trường hợp không được mua lại cổ phiếu quỹ
- 7. Quy trình mua cổ phiếu quỹ theo pháp luật Việt Nam
- 8. Thời hạn phê duyệt tài liệu mua cổ phiếu quỹ từ UBCK:
- 9. Nghĩa vụ công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ với công ty
- 10. Nguyên tắc xác định giá mua phiếu quỹ
- 11. Nguyên tắc xác định giá bán phiếu quỹ
- 12. Nghĩa vụ của công ty sau khi hoàn thành mua cổ phiếu quỹ
- 13. Danh mục tài liệu đề cập trong bài học
1. Khái niệm cổ phiếu quỹ
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP[1]:
“Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu đã phát hành bởi công ty cổ phần và được mua lại bởi chính công ty đó.”
2. Đặc điểm Cổ phiếu quỹ
Việc công ty mua ngược lại cổ phiếu từ thị trường mở sẽ làm giảm số cổ phiếu lưu hành (outstanding share) của công ty này.
Các công ty sẽ tiến hành mua lại (repurchase) cổ phiếu vì hai lý do:
Thứ nhất, khi một công ty nhận thấy cổ phiếu của họ đang đuối giá trên thị trường chứng khoán công ty sẽ tiến hành mua lại cổ phiếu, nhờ đó ngăn chặn giá chứng khoán giảm sút mạnh trên thị trường. Việc mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ cũng góp phần ngăn chặn khả năng thao túng công ty từ bên ngoài.
Thứ hai công ty mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu dự trữ, thưởng cho các nhân viên cấp cao dưới dạng quyền mua cổ phiếu, như một biện pháp khích lệ, hoặc công ty mua lại để điều chỉnh lại cơ cấu tài chính (nợ/vốn cổ phần).
Nguồn vốn để tiến hành mua cổ phiếu quỹ lấy từ quỹ thặng dư vốn của công ty.
Trên bảng cân đối kế toán, cổ phiếu quĩ được ghi vào mục vốn chủ sở hữu (shareholder equity) nhưng mang giá trị âm.
Tuy nhiên, không giống cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu quĩ có những hạn chế riêng:
- Cổ phiếu quỹ không được trả cổ tức
- Cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết
- Tổng số cổ phiếu quĩ không được phép vượt quá tỉ lệ vốn hoá mà luật pháp qui định
Sau khi mua lại, công ty có thể tiến hành rút số cổ phiếu này đi hoặc giữ chúng lại để bán lại ra thị trường khi cần vốn
3. Lợi ích và rủi ro khi công ty MUA cổ phiếu quỹ
MUA cổ phiếu quỹ sẽ mang tới những lợi ích và rủi ro nhất định cho cả Công ty và Cổ đông.
3.1 Lợi ích khi Công ty MUA cổ phiếu quỹ:
Lợi ích cho công ty:
Tăng giá trị cổ phiếu: Khi công ty mua lại cổ phiếu quỹ, số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường giảm, dẫn đến tăng EPS (Earnings Per Share) và thường kéo theo tăng giá cổ phiếu.
Tối ưu hóa nguồn vốn: Công ty có thể sử dụng nguồn tiền dư thừa để mua lại cổ phiếu thay vì đầu tư vào các dự án không hiệu quả, từ đó tối ưu hóa nguồn vốn và cải thiện tỷ suất sinh lời.
Bảo vệ cổ phiếu khỏi bị suy giảm: Trong trường hợp giá cổ phiếu giảm mạnh, công ty có thể mua lại cổ phiếu để ổn định giá và bảo vệ giá trị cổ phiếu trên thị trường.
Tăng niềm tin của nhà đầu tư: Việc mua cổ phiếu quỹ thể hiện rằng ban lãnh đạo tin tưởng vào tiềm năng và giá trị của công ty, từ đó tạo ra tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Lợi ích cho cổ đông:
Tăng giá trị cổ phiếu hiện tại: Khi số lượng cổ phiếu lưu hành giảm, giá trị cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ có thể tăng lên, từ đó tăng giá trị đầu tư.
Tăng cổ tức: Nếu công ty duy trì mức chi trả cổ tức, việc giảm số lượng cổ phiếu lưu hành có thể làm tăng cổ tức trên mỗi cổ phiếu cho các cổ đông còn lại.
3.2 Rủi ro khi công ty MUA cổ phiếu quỹ
Rủi ro cho công ty:
Sử dụng sai nguồn vốn: Nếu công ty dùng quá nhiều nguồn lực tài chính để mua cổ phiếu quỹ mà bỏ qua các cơ hội đầu tư hiệu quả khác, điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn vốn và giảm khả năng phát triển dài hạn.
Giảm thanh khoản: Việc mua lại một lượng lớn cổ phiếu quỹ có thể làm giảm thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc mua bán cổ phiếu.
Tín hiệu sai lầm: Nếu việc mua lại cổ phiếu quỹ được thị trường hiểu là công ty không có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư.
Gánh nặng nợ vay: Nếu công ty vay nợ để mua lại cổ phiếu quỹ, điều này có thể làm tăng gánh nặng nợ vay và rủi ro tài chính cho công ty.
Rủi ro cho cổ đông:
Không làm tăng giá trị thực: Mua lại cổ phiếu quỹ có thể không thực sự làm tăng giá trị cổ phiếu trong trường hợp công ty không có kế hoạch phát triển rõ ràng hoặc không cải thiện được hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Thiếu cơ hội đầu tư: Việc sử dụng nguồn lực để mua cổ phiếu quỹ thay vì đầu tư vào các dự án sinh lời có thể làm giảm cơ hội tăng trưởng dài hạn của công ty, từ đó ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu trong tương lai.
4. Lợi ích và rủi ro khi công ty BÁN cổ phiếu quỹ
4.1 Lợi ích khi bán cổ phiếu quỹ
Lợi ích cho công ty:
Huy động vốn: Công ty có thể bán cổ phiếu quỹ để huy động nguồn vốn khi cần thiết mà không phải phát hành thêm cổ phiếu mới, từ đó tránh làm loãng cổ phiếu hiện có.
Tối ưu hóa cấu trúc vốn: Việc bán cổ phiếu quỹ có thể giúp công ty cân bằng lại cấu trúc vốn nếu trước đó đã có những đợt mua lại lớn.
Tăng thanh khoản: Bán cổ phiếu quỹ có thể giúp cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu công ty trên thị trường.
Lợi ích cho cổ đông:
Gia tăng giao dịch cổ phiếu: Việc bán cổ phiếu quỹ có thể tạo ra thêm cơ hội giao dịch cho cổ đông nếu cổ phiếu công ty trở nên khan hiếm.
Không làm loãng cổ phiếu: So với việc phát hành thêm cổ phiếu mới, việc bán cổ phiếu quỹ không làm loãng giá trị cổ phiếu hiện tại của cổ đông.
4.2 Rủi ro khi bán cổ phiếu quỹ
1. Rủi ro cho công ty:
Làm loãng cổ phiếu: Bán lại cổ phiếu quỹ có thể làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, dẫn đến làm loãng giá trị cổ phiếu hiện tại của các cổ đông.
Áp lực thị trường: Nếu công ty bán một lượng lớn cổ phiếu quỹ trong thời gian ngắn, điều này có thể tạo áp lực giảm giá cổ phiếu trên thị trường.
Tín hiệu tiêu cực: Việc bán cổ phiếu quỹ có thể bị hiểu là công ty đang cần tiền gấp hoặc gặp khó khăn tài chính, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư.
2. Rủi ro cho cổ đông:
Giảm giá trị cổ phiếu: Nếu việc bán cổ phiếu quỹ làm tăng cung trên thị trường, giá cổ phiếu có thể giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đầu tư của cổ đông.
Giảm cổ tức: Bán cổ phiếu quỹ sẽ làm tăng lượng cổ phiếu lưu hành, công ty có thể phải chia sẻ lợi nhuận cho nhiều cổ đông hơn, từ đó làm giảm cổ tức trên mỗi cổ phiếu.
Không tận dụng được cơ hội thị trường: Nếu công ty bán cổ phiếu quỹ vào thời điểm thị trường không thuận lợi hoặc giá cổ phiếu thấp, công ty có thể không thu được giá trị tối đa từ cổ phiếu, ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.
5. Điều kiện mua lại cổ phiếu quỹ
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Chứng khoán 2019[2] thì:
“1. Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, phương án mua lại, trong đó nêu rõ số lượng, thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá mua lại;
b) Có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu từ các nguồn sau đây: thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;
c) Có công ty chứng khoán được chỉ định thực hiện giao dịch, trừ trường hợp công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam mua lại cổ phiếu của chính mình;
d) Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật trong trường hợp công ty đại chúng thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
đ) Không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”
6. Các trường hợp không được mua lại cổ phiếu quỹ
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Luật Chứng khoán 2019 thì:
3. Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình trong các trường hợp sau đây:
a) Đang có nợ phải trả quá hạn căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán; trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phiếu quá 06 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, việc xác định nợ quá hạn được căn cứ vào báo cáo tài chính 06 tháng gần nhất được kiểm toán hoặc soát xét; trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
b) Đang trong quá trình chào bán, phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
c) Cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày báo cáo kết quả mua lại hoặc vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
7. Quy trình mua cổ phiếu quỹ theo pháp luật Việt Nam
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật Chứng khoán 2019:
“1. Công ty đại chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này trước khi mua lại cổ phiếu của chính mình phải gửi tài liệu báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bao gồm:
a) Báo cáo về việc mua lại cổ phiếu;
b) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu, phương án mua lại;
c) Văn bản xác nhận việc chỉ định thực hiện giao dịch của công ty chứng khoán, trừ trường hợp công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam mua lại cổ phiếu của chính mình;
d) Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua phương án triển khai mua lại cổ phiếu;
đ) Báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán;
e) Tài liệu chứng minh công ty có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu;
g) Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện để được mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định của pháp luật trong trường hợp công ty đại chúng thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”
Chi tiết mẫu các văn bản trên được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 118/2020/TT-BTC[3].
8. Thời hạn phê duyệt tài liệu mua cổ phiếu quỹ từ UBCK:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Luật Chứng khoán 2019 thì:
“3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu quy định tại khoản 1 Điều này đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi văn bản thông báo cho công ty đại chúng về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu; trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản gửi công ty đại chúng nêu rõ nội dung, yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung tài liệu báo cáo không tính vào thời hạn quy định tại khoản này. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
9. Nghĩa vụ công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ với công ty
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật Chứng khoán 2019 thì:
“4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, công ty đại chúng phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của công ty, phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này[2]. Công ty đại chúng được thực hiện mua lại cổ phiếu sau 07 ngày làm việc kể từ ngày công bố thông tin.”
Nghĩa vụ gửi báo cáo kết quả giao dịch đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin ra công chúng
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 37 Luật Chứng khoán 2019 thì:
“5. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc giao dịch mua lại cổ phiếu, công ty đại chúng phải gửi báo cáo kết quả giao dịch đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin ra công chúng. Trong trường hợp công ty đại chúng không thực hiện hết số lượng cổ phiếu dự kiến giao dịch, công ty đại chúng phải báo cáo và công bố lý do không hoàn thành.
Hoàn thành việc mua lại cổ phiếu
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 37 Luật Chứng khoán 2019 thì:
“6. Công ty đại chúng phải kết thúc việc mua lại cổ phiếu theo thời gian nêu trong bản công bố thông tin nhưng tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện giao dịch.”
10. Nguyên tắc xác định giá mua phiếu quỹ
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Thông tư 120/2020/TT-BTC thì:
“b) Nguyên tắc xác định giá đặt mua lại cổ phiếu của chính mình của công ty đại chúng theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận được quy định như sau:
Giá đặt mua ≤ Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu x 50% Biên độ dao động giá cổ phiếu).
Khối lượng đặt mua: Trong mỗi ngày giao dịch, tổng khối lượng đặt mua tối thiểu là 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (khối lượng đặt mua không bao gồm khối lượng hủy lệnh và quy định này được miễn trừ khi khối lượng mua còn lại ít hơn 3%).
Quy định này áp dụng cho tới khi công ty đại chúng hoàn tất giao dịch mua lại cổ phiếu của chính mình với khối lượng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.”
11. Nguyên tắc xác định giá bán phiếu quỹ
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư 120/2020/TT-BTC[4] thì:
“3. Ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này[3], công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình trước ngày 01/01/2021 bán ra cổ phiếu đã mua lại theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận như sau:
Giá đặt bán ≥ Giá tham chiếu – (Giá tham chiếu x 50% Biên độ dao động giá cổ phiếu).
Khối lượng đặt bán: trong mỗi ngày giao dịch, tổng khối lượng đặt bán tối thiểu từ 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (khối lượng đặt bán không bao gồm khối lượng hủy lệnh và quy định này được miễn trừ khi khối lượng bán còn lại ít hơn 3%).”
12. Nghĩa vụ của công ty sau khi hoàn thành mua cổ phiếu quỹ
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 36 Luật chứng khoán 2019 thì:
“5. Công ty đại chúng thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu.”
13. Danh mục tài liệu đề cập trong bài học
2. Luật số 54/2019/QH14 của Quốc hội: Luật Chứng khoán