Chứng khoán cơ bản

11 ưu điểm và nhược điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam

10 ưu điểm và nhược điểm của thị trường chứng khoán sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về giao dịch chứng khoán.

Những ưu và nhược điểm này vô cùng quan trọng đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt là về tính thanh khoản của thị trường nói chung và của 1 loại cổ phiếu nói riêng.

Yếu tố áp đặt mức giá tham chiếu, giá trần, giá sàn cũng cần được quan tâm nếu các nhà đầu tư quyết định sẽ… lướt sóng!

Phần tiếp theo trong Khoá học Chứng khoán cơ bản, chúng ta sẽ phân tích ưu – nhược của chứng khoán Việt Nam trước khi quyết định dấn thân vào thị trường:

Năm ưu điểm của thị trường chứng khoán

#1. Được pháp luật bảo vệ

Đầu chứng khoán là một hình thức đầu tư tài chính được pháp luật bảo vệ theo quy định của Luật chứng khoán và Luật doanh nghiệp. Kèm theo đó là các thông tư, nghị định hướng dẫn được chính phủ và Ủy ban chứng khoán nhà nước phát hành công khai.

Quyền lợi – nghĩa vụ của nhà đầu tư được quy định rất rõ trong luật chứng khoán và luật doanh nghiệp.

Khi kiếm tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lợi nhuận nếu có sẽ bị khấu trừ trực tiếp một khoản thuế thu nhập cá nhân nên đó hoàn toàn là các khoản tiền hợp pháp mà Nhà đầu tư nhận được.

#2. Đầu tư với số vốn nhỏ

Với mức giá của các loại cổ phiếu hiện tại trên thị trường còn rẻ hơn con cá – mớ rau ngoài chợ, Nhà đầu tư chỉ cần mức vốn tối thiểu rất nhỏ để bắt đầu “Chơi Chứng”.

Ví dụ: Mã cổ phiếu LMH của Công ty Cổ phần LANDMARK HOLDING có giá hiện tại là 750đ/cp rẻ hơn 1 mớ rau muống. Nhà đầu tư có thể mua lô nhỏ với khối lượng 10 cổ phiếu. Nghĩa là Nhà đầu tư chỉ cần đầu tư vào thị trường chứng khoán với vốn chỉ từ 7500đ cho 10 cổ phiếu.

Tất nhiên, việc mua các cổ phiếu giá rẻ như vậy không đảm bảo Nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận.

11 ưu điểm và nhược điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam
11 ưu điểm và nhược điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam

#3. Không có phí Spread

Một lợi thế của giao dịch chứng khoán là sẽ không có phí Spread (Ask – Bid) như giao dịch Forex.

Nhà đầu tư không cần phải trả phí Spread. Hai loại phí mà nhà đầu tư phải trả khi giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đó là:

  1. Phí giao dịch: Từ 0 – 0.3% cho mỗi giao dịch, phụ thuộc vảo biểu phí giao dịch từ các brokers.
  2. Phí lưu ký chứng khoán: 0.27 đồng/CP, CCQ, CW/tháng

#4. Đòn bẩy tài chính

Nhà đầu tư có thể sử dụng đòn bẩy tài chính trong giao dịch chứng khoán thông qua việc mở Tài khoản Margin chứng khoán.

Hiểu đơn giản là Công ty chứng khoán sẽ xem xét và cấp nhạn mức để nhà đầu tư mua chứng khoán nhiều hơn vốn hiện có.

Tài khoản Margin Chứng khoán cho phép nhà đầu tư mua chứng khoán bằng một phần tiền của mình và một phần tiền vay từ Công ty chứng khoán. Chứng khoán được mua là tài sản đảm bảo cho khoản vay này.

Và tất nhiên đã vay thì sẽ phải trả lãi. Mức lãi suất cũng hơi bị phê đâu đó khoảng trên 13.5%/năm.

Chúng ta sẽ tìm hiểu về tài khoản Margin Chứng khoán sau nhé.

#5. Cổ phiếu là tài sản

Giao dịch chứng khoán là hình thức khi nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua và được khớp lệnh, nhà đầu tư sẽ nắm giữ một lượng cổ phiếu nhất định. Số cổ phiếu này thường được gửi tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Cổ phiếu được coi như là tài sản của nhà đầu tư. Nhà đầu tư có quyền:

  • Rút số cổ phiếu này về bỏ vào két sắt để tự giữ
  • Rút cổ phiếu và chuyển sang Công ty chứng khoán khác
  • Đem cổ phiếu đi cầm cố để… lấy tiền tiêu đỡ

Sáu nhược điểm của thị trường chứng khoán

#1. Rủi ro về thanh khoản

Thanh khoản được hiểu là việc mua bán một loại cổ phiếu sẽ diễn ra thuận lợi. Tỷ lệ khớp lệnh trong phiên rất cao.

Tuy nhiên, một số mã cổ phiếu trong phiên gần như không có thanh khoản.

Không có thanh khoản có thể tạm hiểu là:

  • Không có người mua – Không có người bán loại cổ phiếu đó
  • Chỉ có người mua mà không có người bán
  • Chỉ có người bán mà không có người mua.

Ví dụ về trường hợp của cổ phiếu NVL vào giai đoạn bê bối thị trường Trái phiếu Doanh Nghiệp Việt Nam tháng 11-2022. Tại thời điểm tháng 11-2022, hầu hết cổ phiếu của các Công ty BĐS như NVL, CEO, DXG… đều rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Bên bán áp đảo bên mua và luôn ở tình trạng MÚA BÊN TRĂNG – TRẮNG BÊN MUA. Như vậy mặc dù có người bán, nhưng không có người mua thì sẽ không có thanh khoản.

Cổ phiếu NVL mất thanh khoản - Múa bên trăng tháng 11-2022
Cổ phiếu NVL mất thanh khoản – Múa bên trăng tháng 11-2022

#2. Quy định về giá trần và giá sàn

Quy định về mức giá trần và giá sàn trong 1 phiên giao dịch là để bảo vệ để tránh tình trạng cổ phiếu sẽ trở thành giấy lộn chỉ sau 1 ngày.

Đây là điểm rất tốt nhưng cũng có thể sẽ là điểm bất lợi vì trong phiên giao dịch, Cổ phiếu chỉ có thể giảm sàn, tăng trần mà không thể muốn tăng bao nhiêu thì tăng.

Ví dụ: Giá tham chiếu của cổ phiếu TCB trong ngày là 20.000đ/cp.

Mã cổ phiếu TCB được niêm yết trên sàn HOSE và quy định về biên độ biến động của HOSE cho 1 loại cổ phiếu trong 1 ngày là 7% vậy chúng ta có công thức tính giá sàn và giá trần như sau:

Giá trần = Giá tham chiếu + Giá tham chiếu x 7% = Giá tham chiếu x 1.07

Công thức cuối tính giá trần và giá sàn trên sàn HOSE:

Giá trần = Giá tham chiếu x 1.07

Giá sàn = Giá tham chiếu x 0.93

Giá sàn TCB trong ngày = 20.000*0.93 = 18.600đ/CP

Giá trần TCB trong ngày = 20.000*1.07 = 21.400đ/cp.

Trong một ngày nhà đầu tư có thể lỗ bao nhiêu % cho một lệnh giao dịch?

Lấy ví dụ trực tiếp từ mã TCB:

Nếu trong ngày TCB tăng trần lên giá 21.400đ/cp.

Nhà đầu tư quyết định mua 1000 cổ phiếu TCBvà khớp với giá 21.400đ/cp. Tổng số tiền đầu tư là 21.400.000đ

Đến cuối phiên giao dịch, TCB quay đầu giảm sàn về mức 18.600đ/cp thì giá trị hiện tại của 1000 cổ phiếu mới mua là: 18.600.000

Mức lỗ (%) = ((21.400.000 – 18.600.000)/21.400.000) x 100% = 13.08%

#3. Chu kỳ T+2 và T+3 tạo ra rào cản

Chu kỳ T+2 và T+3 sinh ra để đảm bảo là nhà đầu tư sẽ không mua vào cổ phiếu sau đó bán ra ngay trong phiên.

Cũng như hệ thống giao dịch của ngân hàng hay một số ngành khác, hệ thống giao dịch chứng khoán cũng được xử lý bằng hệ thống máy chủ. Tuy nhiên, việc vận hành một khối lượng giao dịch rất lớn như trên không hề đơn giản. Việc phát sinh các lỗi kỹ thuật trong giao dịch nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn tới thị trường. Và việc sửa chữa, xử lý cần có thời gian. Đây chính là lý do chúng ta áp dụng chu kỳ thanh toán ngày T+2.

Tóm lại, chu kỳ thanh toán ngày T+2 được quy định nhằm tạo khoảng trống về thời gian để khắc phục sự cố xảy ra để đảm bảo thị trường được vận hành thông suốt.

Đây cũng là nhược điểm với các nhà đầu tư muốn lướt sóng vì họ chỉ có thể bán cổ phiếu ở ngày T+3 sau khi cổ phiếu đã về tài khoản.

Rủi thay như ở trường hợp trên, trong phiên giảm 13.08% hai ngày sau đó tiếp tục giảm sàn mỗi ngày khoảng 7% nữa thì quả thật là ác mộng. Đặc biệt là các dòng Blue Chip giá trị lớn.

#4. Rủi ro đến từ các sàn giao dịch chứng khoán

Đây là một trong những rủi ro tương đối hiếm khi xảy ra trong lịch sử thị trường chứng khoán.

Trong cuốn Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh của John Brooks đã mô tả sự sụp đổ của Thị trường chứng khoán năm 1929 tồi tệ đến mức mà các nhân viên quá chán nản với các lệnh bán ồ ạt từ nhà đầu tư và họ quyết định bỏ đi ra ngoài không làm việc đó. Sự việc này tưởng chừng gây hại nhưng hóa ra lại cứu được rất nhiều nhà đầu tư vì ngay lập tức, thị trường phục hồi kỳ diệu.

Năm 2020 khi Đại dịch COVID-19 diễn ra và ở khoảng thời gian hoảng loạn đỉnh điểm vào tháng 03-2020, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều đã phải “NGẮT MẠCH THỊ TRƯỜNG” khi tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường.

Tại Trung Quốc, sàn giao dịch chứng khoán Thượng hải và Thâm Quyến phải ngắt mạch 15 phút.

Tại Hàn Quốc, Trong ngày 13/3/2020, toàn bộ thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã phải ngưng giao dịch trong bối cảnh chỉ số KOSDAQ giảm mạnh 8,31% chỉ sau ít phút mở cửa thị trường. Lần gần nhất thị trường chứng khoán Hàn Quốc phảu ngưng giao dịch là ngày 12/2/2016 khi giới đầu tư nước này lo ngại về nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu và rủi ro khủng hoảng với Triều Tiên.

Tại Hoa Kỳ:

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất về 0% và tung gói nới lỏng định lượng 700 tỉ USD, thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực với các chỉ số đồng loạt giảm sâu, thị trường phải tạm ngừng giao dịch chỉ sau ít phút mở cửa.

Thị trường vừa mở cửa phiên 16/3, chỉ số S&P 500 sụt 8,14%, dẫn tới hiện tượng ngắt mạch toàn thị trường. Trước đó vào các phiên 9/3 và 12/3, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã phải tạm dừng giao dịch cho các nhà đầu tư có thể bình tâm trở lại.

Theo qui định, nếu S&P 500 giảm quá 7% so với mức đóng cửa phiên trước, toàn thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút.

#5. Thị trường hoạt động 4.5 giờ/ngày

Thị trường Forex hoạt động 24 giờ/ngày, 5 ngày/tuần và 286 ngày/năm. Thị trường chứng khoán thì không được như thế.

Chứng khoán cơ sở: (3 sàn HOSE, HNX, Upcom) thì thời gian giao dịch sẽ từ 9h00-15h00.

Giờ nghỉ trưa: 11h30 – 13h00

Điểm riêng:

  • Thời gian giao dịch sàn HOSE: Từ 9h00 đến 14h45 (trừ giờ nghỉ trưa)
  • Thời gian giao dịch sàn HNX, Upcom: Từ 9h00 đến 15h00 (trừ giờ nghỉ trưa)
  • Thời gian giao dịch chứng khoán phái sinh: Từ 8h45 đến 14h45 (trừ giờ nghỉ trưa)

Giờ giao dịch chứng khoán Việt Nam rất ngắn và thanh khoản chủ yếu bùng nổ vào phiên chiều từ 13:00 – 15:00 vì vậy nhà đầu tư cần lưu tâm nếu giao dịch T+.

#6. Chưa có tài khoản Demo để học cách giao dịch

Ngoài VNSTOCKGAMES thì không có bất kỳ công ty chứng khoán nào cho phép các nhà đầu tư mở tài khoản ảo để giao dịch và tìm hiểu về thị trường chứng khoán giống như Forex cả.

Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn thực hành thì chỉ có 2 cách:

  1. Tham gia VNSTOCKGAME (trả phí)
  2. Tự ghi chép chiến lược trên File Excel và tự thống kê.

Giờ bạn đã hiểu thêm tương đối nhiều về thị trường chứng khoán rồi. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong các bài viết sau trong chuyên đề Học đầu tư chứng khoán.

Chúc bạn giao dịch thành công!

5/5 – (22 bình chọn)

Đặt câu hỏi cho HODL.VN trên một trong các kênh hỗ trợ sau: Zalo | Discord | Telegram | Facebook Group | Youtube

0 trong 18 bài học đã hoàn thành (0%)