Cổ phiếu CDN (2025-2027): Tích luỹ sâu cuối chu kỳ, Doanh thu và LNST phá đỉnh
- Premium
- 29 phút đọc
CTCP Cảng Đà Nẵng (CDN) mới công bố BCTC Q3/2024 với nhiều tín hiệu tích cực. Doanh thu và LNST tiếp tục phá đỉnh lịch sử hoạt động của Cảng Đà Nẵng.
Cùng với đó là các tín hiệu tích cực khi các đối tác quốc tế lớn, các công ty phát triển và vận hành cảng biển lớn nhất thế giới đang quan tâm tới Cụm Cảng Liên Chiểu.
Giá trị thực tế Cổ phiếu CDN đang thấp hơn rất nhiều so với Ngành nói riêng và VN-INDEX nói chung. Dưới đây là phân tích chi tiết Xu hướng giá và kế hoạch giao dịch cổ phiếu CDN – CTCP Cảng Đà Nẵng giai đoạn 2025-2027:
Phân tích hoạt động kinh doanh
CTCP Cảng Đà Nẵng tiếp tục cho thấy tín hiệu kinh doanh tích cực trong Q3/2024 và 9T2024 khi Doanh thu – LNST liên tục vượt đỉnh lịch sử.
Xét Q3/2023, Doanh thu công ty đạt ngưỡng 366.38 tỷ, đây là kết quả tốt nhất của Cảng Đà Nẵng kể từ Q1/2015:
So với Q3/2023, Doanh thù CDN tăng 46,57 tỷ + 14.57%. Các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm giúp LNST tăng thêm 11,69 tỷ lên ngưỡng 79.54 tỷ + 17,24%. Mức LNST 79,54 tỷ cũng là mức cao nhất kể từ năm 2015 của công ty.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Doanh thu CDN tăng 166,69 tỷ + 18,43% so với cùng kỳ năm 2023:
Lợi nhuận sau thuế đạt 229,35 tỷ, tăng 24,04 tỷ + 11,71% so với 9T2023. Đây là kết quả tích cực và khả quan của CDN giúp chúng ta có quyền kỳ vọng giá CDN sẽ có cơ hội tiếp tục gia tăng.
Dữ liệu này không phải là dữ liệu tăng bất thường. Dưới đây, HODL.VN đã đánh giá thêm về Doanh thu – GVHB – LNST của CTCP Cảng Đà Nẵng kể từ Q1/2015:
Trong biểu đồ phía trên, Tôi thêm vào ba đường là trung bình 4 quý gần nhất. Số liệu này rất quan trọng để chúng ta có quyết định và hiểu thêm về từng biến động giá trên biểu đồ giá cổ phiếu CDN phía dưới.
Theo dữ liệu thống kê, Doanh thu – GVHB – LNST CTCP Cảng Đà Nẵng là một xu hướng tăng chủ đạo. Quan trọng hơn là Doanh thu và LNST của CDN đang liên tục biến động phía trên mức trung bình 4 quý. Điều này giúp chúng ta có quyền kỳ vọng nếu giá và các chỉ số tài chính biến động dưới mức trung bình hoặc rơi về vùng giá trị thấp sẽ là cơ hội để Buy the Dip – Mua đáy.
Tôi cũng chưa hiểu lý do tại sao với lịch sử chia cổ tức đều hàng năm chưa bỏ năm nào với tỷ lệ cao, Doanh thu – LNST tăng liên tục phá đỉnh nhưng giá cổ phiếu CDN dường như chưa phản ánh được sức mạnh từ kết quả này!
Phân tích Định giá kỹ thuật
Hỗ trợ – Kháng cự
Biểu đồ giá Cổ phiếu CDN trên khung tuần đang thể hiện rõ xu hướng tăng. Hiện tại, giá đang tích luỹ trên đỉnh xu hướng.
Đường xu hướng tăng được duy trì trong 5 năm năm 2018 tới hiện tại:
Trên biểu đồ giá Cổ phiếu CTCP Cảng Đà Nẵng (CDN), Tôi nhận thấy các Vùng Hỗ trợ – Kháng cự đáng chú ý sau:
Kháng cự kỹ thuật quan trọng:
- Kháng cự: 34,200 – 35,000 đ: Vùng kháng cự được thiết lập ngay tại đỉnh giá cao nhất kể từ khi lên sàn của CDN. Vùng giá này vẫn sẽ là kháng cự đáng lưu tâm.
Tôi hi vọng Kháng cự này sẽ sớm bị phá vỡ vì Doanh thu và LNST của CTCP Cảng Đà Nẵng đều đang tăng và lập đỉnh. Xu hướng mở rộng kinh tế Việt Nam sẽ có thể là động lực chính không chỉ cho CDN mà cho cả ngành Cảng biển – Logistics nói chung.
Hỗ trợ kỹ thuật quan trọng:
- Hỗ trợ: 27,000 – 28,500 đ: Hỗ trợ quan trọng trước đó là Kháng cự đã bị phá vỡ. Tôi kỳ vọng vùng giá này sẽ là chuyển công năng thành hỗ trợ để thiết lập một mức nền cao hơn trong tương lai.
- Hỗ trợ: 21,000 – 22,500 đ: Hỗ trợ thấp nhất trong vùng tích luỹ nếu có thể mua và nắm giữ thêm ở vùng giá này sẽ là một cơ hội hiếm có trong 3-5 năm tiếp theo.
Nhìn chung, khi DT và LNST liên tục tăng và biến động trên ngưỡng trung bình, chúng ta nên kỳ vọng nó sẽ có tác động tích cực tới các Hỗ trợ trong phân tích kỹ thuật giúp duy trì các vùng này vững, trong dài hạn.
Cấu trúc kỹ thuật xu hướng
Để đánh giá kỹ hơn cấu trúc xu hướng giá cổ phiếu CDN trong Quý 4-2024, Tôi chuyển qua khung tháng, dùng thêm Fibonacci Retracement để đánh giá cấu trúc xu hướng:
Về cấu trúc xu hướng:
Giá Cổ phiếu CDN thường tích luỹ khoảng 3 năm sau đó có 2 năm tăng duy trì xu hướng và tiếp tục tích luỹ.
Giai đoạn 2017 – 2020, Giá cổ phiếu CTCP Cảng Đà Nẵng liên tục tích luỹ trong phạm vi 10,000 – 15,000đ.
Giai đoạn 2021 – 2022: Giá tăng và duy trì xu hướng.
Giai đoạn T12/2022 – Hiện tại: Giá đang rơi vào tích luỹ.
Như vậy, dường như giá Cổ phiếu CDN đang rơi vào cuối chu kỳ tích luỹ.
Điều này sẽ được xác nhận bởi biểu đồ kết quả kinh doanh hàng quý mà Tôi có cập nhật phía trên. Kinh doanh – Lợi nhuận là một đường xu hướng tăng, biến động hoàn toàn trên ngưỡng trung bình 4 quý. Phản ánh trên biểu đồ giá cũng là Xu hướng tăng duy trì từ 2017 tới Q4/2024.
Về Fibonacci
Fibonacci Retracement – Thoái lui:
- Fibo 38.2% – Mức giá: 24,877 đ: Vùng giá này là vùng giữa của Sideway trong suốt hơn hay năm qua. Nó gần như là mức trung bình. Xác suất xét trên một số biến động bất thường của CDN trong suốt chiều dài lịch sử, Tôi cho rằng có khoảng 20%.
- Fibo 50.0% – Mức giá: 21,976 đ: Đây là Hỗ trợ vô cùng quan trọng của xu hướng tăng đồng thời là Hỗ trợ Sideway đã liên tục được mua lên trong hơn hai năm. Nếu giá có đợt điều chỉnh sâu như vậy, Tôi cho rằng sẽ có một đợt bắt đáy và cũng sẽ có rất ít khối lượng thực sự bị bán ở vùng giá này. Nếu đánh giá về xác suất giảm sâu về đây, thì xác suất có lẽ chỉ khoảng 10-15% vì kết quả kinh doanh của CDN là cực kỳ lạc quan.
- Fibo 61.8% – Mức giá: 19,075 đ: Hỗ trợ cuối cùng và là mạnh nhất, Xác suất giá có thể giảm về vùng giá này là cực kỳ thấp. Đó có lẽ là thời điểm xảy ra các cú sốc kinh tế hoặc các sự kiện bất thường mà chúng ta không có khả năng đoán định được.
Fibonacci Extension – Mở rộng:
- Fibo 138.2% – Mức giá: 43,661 đ: Vùng giá mà Tôi đang chờ đợi trong hơn 1 năm vừa qua. Nếu CTCP Cảng Đà Nẵng tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh như hiện tại, xác suất cao trong trung hạn khoảng 2 năm giá sẽ lần đầu tiên đạt tới ngưỡng này.
- Fibo 161.8% – Mức giá: 45,662 đ: Đây là vùng giá có thể xảy ra sau khi CDN rơi vào chu kỳ tăng kéo theo tâm lý khẩu vị rủi ro gia tăng.
- Fibo 200.0% – Mức giá: 58,855 đ: Để đạt được ngưỡng này, chúng ta cần điều kiện đủ là Công ty tiếp tục kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng tốt. Cùng với đó, CTCP Cảng Đà Nẵng cũng sẽ phải tăng tỷ lệ cổ tức lên khoảng 30%.
Như vậy với kịch bản cấu trúc xu hướng hiện tại, vùng giá mới để chờ đợi sẽ rơi vào phạm vi 24.900 – 28,000đ/cp.
Phân tích Chỉ báo kỹ thuật
Trong phần này chúng ta sẽ phân tích ba chỉ báo quan trọng giúp xác định Xu hướng và động lượng là EMA, MACD và RSI.
Phân tích EMA
Ba đường EMA được sử dụng có chu kỳ 50 tuần – 100 tuần – 200 tuần. Giá trị cụ thể các đường MAs như sau:
- EMA 50 tuần: 28,544 đ
- EMA 100 tuần: 27,414 đ
- EMA 200 tuần: 24,753 đ
Ba đường MA đều đang cho thấy tín hiệu tăng được duy trì từ 2018. Và chúng phân kỳ bắt đầu từ thời điểm xuất hiện tín hiệu Golden Crossover từ đầu năm 2019 tới hiện tại. Giá chưa từng phá vỡ được EMA100 tuần và chỉ có hai lần trong 5 năm tiếp cận được EMA200 tuần.
Như vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng EMA100 tuần sẽ tiếp tục đóng vai trò là một hỗ trợ động cho xu hướng này.
Phân tích MACD
Chỉ báo MACD cho tín hiệu điều chỉnh sau khi giá chạm đỉnh cao nhất tại Vùng kháng cự xung quanh 34,000đ/cp.
Điều mà Tôi chú ý là MACD Histogram đang trong trạng thái Decline có dấu hiệu sẽ chuyển sang Basing sớm.
Khi MACD Line, Signal trên ngưỡng 0, Histogram giảm sâu xuống dưới ngưỡng 0 thì đó được coi là một đợt điều chỉnh xu hướng để nhà đầu tư có cơ hội Mua cổ phiếu với giá tốt.
Phân tích RSI
Chỉ báo RSI đang ở vùng 50. Trong giai đoạn tích luỹ, chỉ báo RSI liên tục biến động xung quanh ngưỡng 45-55 trong hơn 2 năm. Thường khi RSI chạm 45 cũng là thời điểm CDN hồi phục.’
Kể từ 2018, Tôi chưa từng thấy CDN cho tín hiệu quá bán trên khung Weekly. Điều này dễ hiểu vì CDN kinh doanh hiệu quả theo biểu đồ KQKD chúng ta quan sát phía trên đó là một xu hướng tăng từ 2015 và CTCP Cảng Đà Nẵng thậm chí còn chưa từng lỗ trong suốt các năm đó.
Như vậy RSI 45 có khả năng sẽ là thời điểm CDN có thể tạo đáy để phục hồi.
Dữ liệu Ngành Cảng Biển và Kinh tế Vĩ mô Việt Nam 2024
Kinh tế Việt Nam Q3/2024 và 9T2024
Dữ liệu kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, GDP tăng mạnh:
Chỉ số CPI giảm mạnh vào T9/2024 cùng với việc giá dầu điều chỉnh sâu có thể giúp nhu cầu mua sắm sẽ trở lại vào những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 theo chu kỳ thực tế tại Việt Nam.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Cán cân thương mại Việt Nam 9T2024
Cán cân thương mại Việt Nam 9T2024 cũng tăng trưởng mạnh mẽ khi tổng thương mại đạt 578 tỷ USD, vượt xa so với 494 tỷ USD cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức luỹ kế thương mại lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam.
Thặng dư thương mại (xuất siêu) 9T2024 của Việt Nam đạt 20,81 tỷ USD:
Con số này bằng với Tổng thặng dư thương mại của 11 tháng năm 2023. Những dữ liệu về xuất – nhập khẩu vô cùng quan trọng với Ngành Cảng Biển vì đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn và chịu tác động trực tiếp từ Nhập khẩu – Xuất khẩu. Dữ liệu này càng tăng thì triển vọng ngành càng sáng.
Mức tăng trưởng ngành Cảng Biển toàn cầu đến 2032
Thị trường vận tải đường biển toàn cầu ước tính trị giá 72,2 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 3,2% từ năm 2023 đến năm 2032. Nghiên cứu đã xem xét năm cơ sở là năm 2022, ước tính quy mô thị trường của thị trường và giai đoạn dự báo là 2023 đến 2032.
Thị trường vận tải container toàn cầu dự kiến sẽ đạt 10,93 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường vận tải hàng hóa được phân tích sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,1% trong giai đoạn dự báo 2023-2032, đạt 23,4 tỷ USD vào năm 2032. Thị trường vận tải đường biển ở các khu vực bên ngoài Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt 247.540,45 triệu USD vào năm 2032. Những con số này nhấn mạnh sự mở rộng đáng kể của thị trường.
Tương tự dự báo từ San Global Research, báo cáo tháng 10/2024 từ DHL cũng cho thấy chi tiết về tốc độ tăng CAGR 2024 – 2028 về vận tải Container ở khoảng 3,2%
Thương mại container toàn cầu:
- Dự kiến đạt 148.2 triệu TEU vào năm 2024.
- Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) từ 2025 đến 2028 là 3.2%.
Các khu vực chính và tốc độ tăng trưởng:
- Châu Á – Nội vùng (Intra Asia): Lớn nhất với 39.2 triệu TEU và tăng trưởng 3.5%.
- Châu Âu:
- 14.9 triệu TEU với mức tăng 1.6% trong khu vực,
- 5.8 triệu TEU với mức tăng 0.4% liên quan đến các vùng khác.
- Bắc Mỹ (kể cả Mexico): 2.6 triệu TEU, tăng trưởng 4.5%.
- Châu Mỹ Latinh (Latin America): 1.8 triệu TEU, tăng trưởng 4.4%.
- Intra MENAT (Middle East & North Africa): 3.2 triệu TEU, tăng trưởng 6.2%.
- Châu Úc (Oceania): 3.0 triệu TEU, tăng trưởng 3.9%.
- Viễn Đông (Far East): 6.8 triệu TEU, tăng trưởng 2.2%; 24.0 triệu TEU với mức tăng 3.3% liên quan đến các vùng khác.
- Intra LATAM (Latin America): 1.1 triệu TEU, tăng trưởng 3.5%.
Các tuyến thương mại lớn khác:
- Intra Europe: 1.1 triệu TEU, tăng trưởng 2.6%.
- Châu Mỹ Latinh đến Bắc Mỹ: 1.8 triệu TEU, tăng trưởng 1.7%.
- Châu Á đến Bắc Mỹ: 24.0 triệu TEU, tăng trưởng 3.3%.
- Châu Á đến châu Âu: 14.9 triệu TEU, tăng trưởng 1.6%.
Nhìn chung, bản đồ dự báo sự tăng trưởng ổn định trên các tuyến vận tải biển toàn cầu, với các khu vực như Châu Á và Trung Đông dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong các năm tới.
Sản lượng hàng hoá qua Cảng Biển Việt Nam 8T2024
Với kết quả kinh tế Vĩ mô, đặc biệt qua Cán cân thương mại đang xuất siêu cao nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam, chúng ta có thể suy luận rằng lượng hàng hoá qua Cảng Biển sẽ tăng tương tự. Vậy số liệu thực tế qua 8T2024 như thế nào!?
Tôi đánh giá số liệu từ Tổng Cục Hàng Hải Việt Nam nói chung và Cảng vụ Hàng Hải Đà Nẵng nói riêng.
Số liệu 8T2024 từ Cục Hàng Hải Việt Nam
Kết quả Khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển Luỹ kế 8T2024 theo thống kê từ Cục Hàng Hải Việt Nam cho thấy mức tăng 114%:
So với kế hoạch năm, chỉ trong 8 tháng lượng hàng hoá qua Cảng đã đạt 79% chỉ tiêu. Như vậy, năm 2024 có thể lượng hàng hoá qua các Cảng biển Việt Nam sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch, là tín hiệu tích cực cho các Doanh nghiệp vận hành cảng biển nói chung.
Mảng Container tăng 117% so với cùng kỳ năm 2023. Mức sụt giảm đến từ lượng hàng hoá quá cảnh không bốc dỡ, tuy nhiên tỷ trọng doanh thu từ danh mục này không đáng kể và mức sụt giảm 13% của danh mục này sẽ không tác động lớn tới kết quả chung của ngành.
Số liệu 8T2024 từ Cảng vụ Hàng Hải Đà Nẵng
Luỹ kế 8T2024, tổng lượt tàu thuyền ra vào Cảng biển đạt 4,384 lượt, tăng 115,95% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, các phương tiện chia theo tuyến từ Cảng Biển đến Đà Nẵng tăng 8T2024 đạt 1,245 lượt, tăng 172,2%.
Lượng tàu biển nước ngoài đến Việt Nam đạt 1,567 lượt, tăng 107,92% so với cùng kỳ.
Như vậy, số lượng tàu thuyền ra vào Cảng và giá trị tăng tương ứng cho chúng ta kỳ vọng tích cực về toàn bộ ngành Cảng biển của Đà Nẵng nói chung và CTCP Cảng Đà Nẵng nói riêng.
Giá trị thực cổ phiếu CDN 2025-2027 là bao nhiêu!?
Trong phần này chúng ta sẽ cùng đánh giá sơ bộ Cấu trúc nợ và Các chỉ số tài chính của CDN để có được một Định giá phù hợp cho Cổ phiếu CDN trong Q4/2024 phù hợp để chờ đợi mua và nắm giữ.
Cấu trúc nợ CTCP Cảng Đà Nẵng
Tại thời điểm kết thúc Q3/2024, CTCP Cảng Đà Nẵng ghi nhận Tổng tài sản là 2,446 tỷ.
Trong đó tiền mặt khoảng 114 tỷ, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 534 tỷ. Vì vậy có thể xem xét mức tiền mặt tổng khoảng 648 tỷ.
Tổng nợ phải trả là 688 tỷ, trong đó Tổng nợ tài chính là 366 tỷ.
Như vậy, Tổng nợ/TTS khoảng 27,89% trong khi Tổng nợ tài chính/TTS khoảng 14,8%. Nợ tài chính CTCP Cảng Đà Nẵng có xu hướng kể từ Q3/2022. Trong 2 năm, Tổng nợ tài chính của CDN đã tăng 128,75% từ 160 tỷ lên 366 tỷ.
Tuy nhiên, với tỷ lệ tiền mặt hiện tại và dòng tiền từ kết quả kinh doanh, con số nợ này đang ở trong ngưỡng vô cùng an toàn, không ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của CTCP Cảng Đà Nẵng.
Thị giá và BVPS
Hiện tại, cả thị giá và BVPS cổ phiếu CDN đều đang biến động dưới ngưỡng trung bình 4 quý.
Biểu đồ cho thấy mức tăng trưởng về giá và BVPS phù hợp với kết quả kinh doanh được duy trì trong trung và dài hạn.
Xét mức thấp nhất năm 2018 tại mức giá 15,000đ và mức giá vào Q3/2024 tại 29,000đ thì Giá cổ phiếu CDN đã tăng 14,000đ/cp + 93.33%.
Giai đoạn 2018 – 2023:
- Mức tăng doanh thu trung bình: 12,35%/năm
- Mức tăng LNST trung bình: 13,6%/năm
Khi đánh giá kết quả bên trên, mức tăng giá cổ phiếu trung bình chia cho 6 năm là 15,56%. Điều này phù hợp với kết quả thực tế từ hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp.
Như vậy, với mức tăng trung bình doanh thu 12,35% chúng ta có thể kỳ vọng 2024, Doanh thu CTCP Cảng Đà Nẵng sẽ đạt 1387 tỷ. Cùng với đó, LNST có thể đạt khoảng 312 tỷ tương ứng với EPS khoảng 3.100đ/cp.
Chúng ta sẽ đánh giá thử khả năng đạt được kết quả này:
Chỉ số | 9T | 2024F | Q4F |
---|---|---|---|
Doanh thu | 1071 | 1387 | 310 |
LNST | 229 | 312 | 83 |
Để đạt được các mức kỳ vọng trên thì Doanh thu Q4/2024 phải đạt 310 tỷ so với mức trung bình 3 quý 2024 là 357 tỷ. LNST phải đạt 83 tỷ so với trung bình 3 quý là 76,3 tỷ.
Trong trường hợp đạt chỉ tiêu về doanh thu 1387 tỷ (có thể) và chỉ đạt LNST thêm 76,3 tỷ thì LNST của CDN là 229 + 76,3 = 305,3 tỷ tức LNST sẽ tăng khoảng 10,5%.
Như vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng CDN sẽ duy trì được mức độ tăng như hiện tại ít nhất là hết Q4/2024.
Với các số liệu hiện tại, liệu chúng ta có nên đưa ra một kết luận cuối: Cổ phiếu CDN đang bị bán thấp hơn giá trị thực tế so với định giá chung của ngành và VN-INDEX!?
Chiến lược giao dịch Cổ phiếu Q4-2024
Đánh giá thêm về tiềm năng khu vực và luồng thông tin, chúng ta có một số biến số có thể tác động tích cực tới giá Cổ phiếu CDN trong trung – dài hạn cần chú ý:
- Quy hoạch chung cảng biển tầm nhìn tới 2050
- Xây dựng khu vực Cảng Liên Chiểu
- Các hãng tàu lớn và các nhà đầu tư – phát triển cảng biển lớn trên thế giới đang quan tâm tới việc phát triển Cảng Biển tại Đà Nẵng.
Đánh giá về mức độ cô đặc cổ phiếu:
Tổng lượng cổ phiếu lưu hành CTCP Cảng Đà Nẵng hiện đang là 99 triệu cổ phiếu. Trong đó:
- Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: 74,250,000 – 75%
- Wan Hai Lines (Singapore): 20,090,000 – 20,29%
Như vậy Cổ đông lớn đang nắm tổng 94,340,000 cổ phiếu – 95,29%. Lượng cổ phiếu đang giao dịch tự do còn lại là 99,000,000 – 94,340,000 = 4,660,000 cp.
Mức Share Float này quá thấp so với một Cảng biển có vị trí trọng yếu không chỉ về Kinh tế mà còn có giá trị về quân sự như Cảng Đà Nẵng.
Từ những nhận định phía trên, Quý 4 – 2024 HODL.VN khuyến nghị nhà đầu tư:
- Nếu đang nắm giữ cổ phiếu CDN thì tiếp tục nắm giữ và nâng tỷ trọng nếu còn dư địa vốn với mục tiêu 38,000 – 46,100 – 58,900 và 78,000. Thời gian nắm giữ khoảng 5 năm.
- Nếu chưa có cổ phiếu CDN trong rổ thì nên xem xét thêm cổ phiếu này vào danh mục đầu tư. Vùng giá khuyến nghị mua và nắm giữ trong phạm vi từ 26,000đ – 28,500 đ/cp với mục tiêu 38,000 – 46,100 – 58,900 và 78,000
Chiến lược giao dịch cổ phiếu CDN cụ thể:
Chúc bạn giao dịch thành công!
Tài liệu phân tích:
- Báo cáo số liệu Kinh tế Việt Nam Q3/2024 và 9T2024 từ Tổng cục thống kê
- Phân tích Phát triển Hệ thống Cảng Biển đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế
- Khối lượng hàng hoá thông quan Cảng biển 8T2024 – Cục Hàng Hải Việt Nam
- Báo cáo Số liệu thống kê Cảng Biển Đà Nẵng 8T2024 – Cảng Vụ Hàng Hải Đà Nẵng
- Dữ liệu kinh tế Vĩ mô Việt Nam 2024
- Dữ liệu cán cân thương mại Việt Nam 2024
- Dự báo xu hướng Vận tải biển 2022 – 2032
Nội dung phân tích
Bài viết Mới nhất
Bài học mới nhất